Theo hướng dẫn tại Thông tư 11 về các thủ tục cho vay trong gói 30.000 tỉ đồng và các hợp đồng tín dụng của các ngân hàng thương mại ký kết với khách hàng không có điều nào quy định cụ thể những khoản tiền giải ngân sau ngày 1.6.2016 sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi lãi suất 5%/năm và phải chịu lãi suất thương mại.

112nha_o_xa_hoi_izyh_bvnr.jpg
Quy định mập mờ, khó hiểu đã gây hoang mang cho những người vay gói 30.000 tỉ đồng - Ảnh: Đình Sơn

Chị Hòa mua một căn hộ tại dự án Đạt Gia (Q.Thủ Đức, TP.HCM) từ tháng 10.2015, với tổng giá trị khoảng hơn 800 triệu đồng. Theo hợp đồng căn hộ sẽ được bàn giao vào đầu năm 2017 và đến nay chị đã được ngân hàng thông báo cho vay vốn trong gói 30.000 tỉ đồng với số tiền khoảng 600 triệu. Hiện chị đang chờ hợp đồng tín dụng để được giải ngân.
Chỉ còn cách trả nhà
Tuy nhiên mấy ngày nay chị mất ăn mất ngủ, không làm được việc gì vì thông tin những khoản giải ngân của gói 30.000 tỉ đồng sau ngày 1.6.2016 sẽ phải chịu áp dụng theo lãi suất thương mại. 

“Hiện tôi đang rất bối rối nên không biết làm sao. Cả ngày tôi không làm được gì, liên tục lên mạng đọc báo xem có gì mới. Tôi gọi điện lên chủ đầu tư hỏi thông tin thì họ nói đang họp để bàn hướng giải quyết và sẽ có cách để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng nên khuyên tôi đừng lo lắng. Nhưng không lo làm sao được bởi ai vay gói này cũng do tài chính khó khăn. Như hai vợ chồng tôi đang làm công ty tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng. Gia đình có 1 đứa con, mỗi tháng trừ chi phí cũng không dư gì nhiều. Do đó, nếu không được vay thì tôi trả lại căn hộ, không mua nữa vì không thể trả nổi gốc và lãi suất. Thấy nhà nước mình sao ấy, làm cho người dân hoang mang quá”, chị Hòa lo lắng.
Cũng theo thông tin từ chị Hòa thì lúc mua căn hộ thông qua sàn môi giới chỉ được tư vấn rằng căn hộ đủ điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng và gói này kết thúc vào ngày 1.6.2016, nên nếu được duyệt hồ sơ vay vốn trước ngày này thì sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất, chứ không nói gì đến chuyện những khoản giải ngân sau ngày 1.6.2016 sẽ phải chịu lãi suất thương mại.
Anh Sang, một khách hàng mua căn hộ thương mại tại một dự án ở Q.8 được vay 800 triệu đồng, đến nay đã giải ngân được khoảng hơn 340 triệu đồng cho biết, đến đầu tháng 6.2016 khi gói này kết thúc anh cũng được giải ngân được khoảng 450 triệu đồng, số còn lại khoảng 350 triệu đồng. “Giờ mà lãi suất từ 5%/năm chuyển thàng 11 - 12%/năm (còn có nguy cơ đang tăng tiếp vì các ngân hàng thương mại đang đua lãi suất) thì chỉ có nước nhịn đói mà trả nợ. Bởi với khoảng 350 triệu đồng giải ngân sau ngày 1.6.2016 thì chỉ riêng tiền lãi hằng tháng phải trả (chưa kể gốc) là rất lớn với tôi”, anh Sang hoang mang.
Nhiều khách hàng đã vay vốn trong gói 30.000 tỉ đồng khi nghe “hung tin” đã tỏ ra lo lắng, hoang mang vô cùng bởi phần lớn họ là những người thu nhập thấp. Nếu lãi suất thương mại đến 11 - 12%/năm như hiện nay thì người nghèo, người thu nhập thấp không thể trả nổi. Trong khi nhà đã mua, tiền cũng đã vay rồi không thể trả nhà hay bán lại bởi theo quy định ràng buộc của gói 30.000 tỉ đồng, chỉ sau thời gian 5 năm và phải trả hết nợ gốc và lãi khách hàng mới được chuyển nhượng căn nhà.
“Ý nghĩa của gói tín dụng này là hỗ trợ cán bộ công chức, người nghèo, thu nhập thấp ở đô thị có thể vay được tiền với lãi suất thấp để tạo lập nhà ở. Nay với quy định này không khác nào gài bẫy người dân nghèo. Ưu đãi đã trở thành bạc đãi”, một khách hàng vay vốn trong gói 30.000 tỉ đồng bức xúc.
Quy định đánh đố
Lãnh đạo một công ty bất động sản thậm chí còn cho rằng để xảy ra chuyện “dở khóc, dở cười” như hiện nay một phần lỗi do khách hàng khi không đọc kỹ các quy định của pháp luật, không đọc kỹ hợp đồng tín dụng. Bởi Thông tư 11 đã ban hành từ năm 2013. Tuy nhiên thực tế cho thấy khi tiếp cận những căn hộ đủ điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng, khách hàng đã không được nhân viên môi giới giải thích rõ ràng rằng những khoản tín dụng của hợp đồng vay vốn giải ngân sau ngày 1.6.2016 sẽ không được hưởng ưu đãi lãi suất 5%/năm mà phải chịu lãi suất thả nổi của ngân hàng thương mại quy định.
Không những vậy, chúng tôi đã được tiếp cận một hợp đồng tín dụng áp dụng cho một khách hàng vay gói 30.000 tỉ đồng để mua căn hộ thương mại, tại điều khoản về lãi suất cho vay cũng chỉ ghi rằng “Mức lãi suất và phương thức điều chỉnh lãi suất đối với các khoản giải ngân trong khoảng thời gian được giải ngân để được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì thả nổi theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư 11 và Thông tư 32 của Ngân hàng Nhà nước (áp dụng không vượt quá thời điểm 1.6.2031)”.
Như thế, rõ ràng không có một điều nào nói rằng những khoản giải ngân sau ngày 1.6.2016 khách hàng sẽ phải chịu lãi suất thương mại, không còn được hưởng ưu đãi. Thậm chí khi đọc điều khoản này, những người am hiểu nhất về luật pháp cũng tỏ ra mù mờ, không hiểu điều khoản này nói lên điều gì, nói gì đến người dân thường. Nên khi đọc hợp đồng khách hàng vẫn “chắc mẩm” trong đầu rằng mình được hưởng lãi suất ưu đãi 5%/năm cho tất cả khoản vay bất chấp thời điểm giải ngân là khi nào.
Bản thân ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, là người am hiểu luật pháp khi đọc điều khoản này còn hơi “băn khoăn” nên ông cho rằng không thể nào trách người dân bình thường. Họ dù có đọc kỹ hợp đồng tín dụng cũng không thể biết được tình trạng của những khoản tín dụng giải ngân sau ngày 1.6.2016. Do đó, nếu trong hợp đồng có ghi rõ điều khoản là “đến hết ngày 1.6.2016 thì những khoản tiền giải ngân sau đó phải chịu mức lãi suất thương mại” mới tránh được sự hiểu lầm, rắc rối như hiện nay.