Thời gian vừa qua, VOV đã phản ánh tình trạng hàng trăm ha đất lâm nghiệp của người dân tỉnh Bắc Kạn đã bị chồng lấn đất do các lâm trường quản lý, trong đó nhiều diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. 

Lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Bắc Kạn và chính quyền các địa phương thừa nhận, hơn 620 ha rừng đang chồng lấn, tranh chấp đều thuộc quản lý của lâm trường dựa theo các quyết định giao đất giao rừng năm 1992 và Bản đồ quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2007 -2015.

vov_bac_can_1__fmak.jpg
Các cơ quan chuyên môn xác định có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trùng vào diện tích đất do các lâm trường quản lý.

Việc cấp trùng sổ đỏ là do sai sót chủ quan của các cơ quan chuyên môn trong khâu kiểm tra, thẩm định hồ sơ, thể hiện rõ sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí thiếu hiệu quả của chính đơn vị được giao quản lý đất. Vào năm 2013, UBND tỉnh Bắc Kạn từng có kết luận thanh tra số 183, chỉ ra sai sót của thị xã Bắc Kạn khi cấp trùng sổ đỏ cho người dân vào những diện tích này giai đoạn từ năm 2003 đến 2009.

Tỉnh Bắc Kạn cũng yêu cầu chính quyền địa phương thay đổi lại các quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng việc thu hồi lại các sổ đỏ đã cấp cho người dân trùng vào đất lâm trường. Thế nhưng, sau nhiều văn bản chỉ đạo bổ sung 2 năm lại đây của UBND tỉnh Bắc Kạn, tình trạng nhùng nhằng tranh chấp đất giữa lâm trường và người dân vẫn dậm chân tại chỗ.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là cả người dân và các lâm trường đều không muốn trả lại đất. Đơn cử như với các hộ dân tại thôn Quan Nưa, Bản Giềng xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn, dù chính quyền yêu cầu bà con nộp trả sổ từ nhiều năm, nhưng đến nay chỉ có 6 cuốn được nộp lại.

Ông Nguyễn Duy Diệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn cho biết, trong quá trình giải quyết vướng mắc, thành phố chưa thực sự nhận được sự hợp tác tích cực từ phía Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn.

"Chúng tôi cũng kiến nghị Công ty Lâm nghiệp sớm phối hợp với UBND thành phố để sao giải quyết theo đúng tinh thần của UBND tỉnh, trong trường hợp không thống nhất được đề nghị công ty giao lại đất cho địa phương để địa phương cấp lại đất cho người dân ổn định sản xuất lâu dài" - ông Diệp cho biết.

Bản đồ Quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2007-2015 được xác định là cơ sở để phân định phần đất của lâm trường. Tuy nhiên, có thể thấy ông Ngô Văn Viện, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bắc Kạn, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Bắc Kạn là người trực tiếp ký cả 2 văn bản này.

Ông Phạm Văn Thường, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn tái khẳng định, đơn vị đã lập phương án sử dụng đất tại khu vực tranh chấp ở xã Dương Quang và quan điểm là đơn vị sẽ tiếp tục sử dụng diện tích đất này, kể cả với phần đất tại xã Chu Hương, huyện Ba Bể bởi tại nhiều diện tích vẫn còn tài sản của công ty. 

Theo ông Thường: "Chúng tôi đề nghị thành phố quyết liệt hơn nữa, đã có thông báo thu hồi và thu hồi được một số hộ rồi, vẫn chưa thu hết thì phải tiếp tục thu hồi. Nếu cấp trùng vào đất lâm trường đang sử dụng thì cơ quan chức năng phải thu hồi cái đó trước".

Tháng 3 năm 2019, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt phương án sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn, tuy nhiên, với 620 ha đất đang vướng mắc tiếp tục yêu cầu công ty phối hợp với chính quyền địa phương và người dân giải quyết dứt điểm.

Người dân thôn Quan Nưa, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn sống xen với các diện tích do lâm trường quản lý từ nhiều năm trước, đây cũng là lý do dẫn tới khó giải quyết tình trạng đất chồng lấn.

Ông Nông Ngọc Duyên, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Đất đai, Sở TNMT tỉnh Bắc Kạn cho biết, đối với diện tích vướng mắc với các hộ dân, tỉnh có văn bản chỉ đạo các Sở, ban ngành và UBND các huyện nơi có đất của lâm trường và Công ty Lâm nghiệp rà soát cụ thể về phạm vi, mốc giới, diện tích chồng lấn tiến tới xây dựng phương án bàn giao quỹ đất này về cho địa phương để tiếp tục xây dựng phương án giao cho hộ gia đình cá nhân thiếu đất sản xuất đúng theo tinh thần Nghị định 118 của Chính phủ về sắp xếp các nông lâm trường quốc doanh.

Hướng giải quyết của tỉnh Bắc Kạn đó là: Trả lại phần đất vướng mắc cho địa phương nếu giữa lâm trường và người dân không có sự thống nhất trong việc hợp tác sản xuất. Lãnh đạo thành phố Bắc Kạn và Sở TNMT đều cho biết sẽ nỗ lực để giải quyết tranh chấp ngay trong năm 2019.

Tuy nhiên, việc tranh chấp vẫn chưa thể phân định một khi chỉ bằng giải pháp đối thoại thông thường, cần phải có động thái dứt khoát của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn./.