Giải phóng mặt bằng lâu nay là vấn đề thời sự với nhiều bức xúc xã hội. Nguyên nhân chính được cho là do cơ chế, chính sách vẫn đang bất cập. Đây cũng là nguyên nhân tạo ra nhiều điểm nóng về khiếu kiện tập thể, kéo dài. Trong nhiều vụ giải phóng mặt bằng gây ra bức xúc xã hội và hàng loạt hệ lụy về kinh tế - xã hội, có những điểm nóng như tại Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông), Dự án Khu đô thị Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên), Khu đô thị Thủ Thiêm (TP HCM)… Bất cập trong những quy định từ Luật Đất đai hiện hành là “điểm nghẽn” lớn nhất khi giải quyết vấn đề trên.

Trong loạt bài viết “Gỡ rối thu hồi đất” của VOV.VN sẽ tập trung phân tích những bất cập và đề xuất giải pháp gỡ rối giải phóng mặt bằng thu hồi đất.

Bài 1: Nông dân thành “thầy kiện”

Năm 2004 có chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án Khu đô thị Thương mại Du lịch Văn Giang - Ecopark (do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) làm chủ đầu tư). Từ đó đến nay, nhiều người dân 3 xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao vẫn mang đơn đi khiếu kiện khắp nơi. Sau 14 năm khiếu kiện, hiện vẫn còn gần 2% số hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. 

vov_van_giang_2_qdqg.jpg
Đại diện hộ dân đưa đơn khiếu kiện về việc giải phóng mặt bằng

Để thực hiện dự án này, gần 500 ha đất (tập trung chủ yếu ở 3 xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao) của khoảng 23.000 nông dân đã bị thu hồi. Đưa cho chúng tôi một xấp giấy hẹn, giấy tiếp nhận đơn thư của các cơ quan ban ngành, ông Lê Văn Dũng ở xã Xuân Quan (huyện Văn Giang) cho biết: “Chúng tôi đã đi khắp các cơ quan, ban ngành từ huyện, tỉnh đến Trung ương để phản ánh sự việc.”

Những người còn chưa đồng ý nhận tiền đền bù cho rằng , quá trình thu hồi đất, việc đền bù chưa thỏa đáng, nhất là khung giá đất đền bù ở mức quá thấp. Thời điểm ban đầu, dự án chỉ đền bù cho người dân là 42.000 đồng/m2, sau đó giá đất được nâng hơn 100.000 đồng/m2, trong khi tại khu đô thị Ecopark giá bán mỗi m2 đất là khoảng 19-22 triệu đồng.

Những người dân Văn Giang với bàn tay chai sạn, sần sùi vốn trước đây chỉ biết đến cái cuốc, thuổng nay đã thành thạo việc cầm văn bản đọc, phân tích Nghị định, các điều luật… Họ đã trở thành những “thầy kiện” bất đắc dĩ.

Những chung cư cao tầng của Khu đô thị Ecopark
“Người nông dân Văn Giang giỏi lắm, cứ có đất là sẽ giàu có khi họ sở hữu nghề trồng cây cảnh, trồng hoa… Đất bị thu hồi, người dân đi làm thuê, thuê đất canh tác nhưng không ổn định” – ông Kỉnh cho biết.

Dân các xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao hiện đang thuê thêm đất tại các huyện Ân Thi, Yên Mỹ, Văn Lâm… giá thuê ở đây thấp so với tại địa phương nhưng gặp phải tình trạng trộm cắp, gây khó khăn của những đối tượng lưu manh cộm cán. theo tính toán của họ,tiền đền bù đất thu hồi đất vĩnh viễn không đủ để thuê đất canh tác trong 2 năm. 

Được biết, đến thời điểm hiện nay, còn khoảng 2% người dân tại địa phương chưa nhận đền bù, còn lại 98% đã đồng thuận và ủng hộ dự án. Các hộ chưa nhận đền bù thì tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Giang cũng đã có kế hoạch tăng cường tuyên truyền vận động để người dân đồng thuận.

Cũng cần phải nói thêm, từ khi có dự án này, hạ tầng kinh tế xã hội trong khu vực đã được đầu tư mạnh mẽ. Chủ đầu tư dự án cũng đã hỗ trợ cho địa phương khoảng hơn 500 tỷ để chuyển đổi kinh tế, dạy nghề, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng... Nhiều người dân địa phương được ưu tiên tuyển vào làm việc trong khu đô thị, có việc làm ổn định, các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ đời sống của cư dân siêu độ thị này cũng phát triển, là nguồn sinh kế bền vững cho nhiều cư dân địa phương.

Đặc biệt, ngoài chi phí đền bù theo khung giá của Nhà nước và các khoản hỗ trợ từ chủ đầu tư, người dân Văn Giang còn được nhận đất dịch vụ liền kề dự án. Hiện giá đất tại khu dịch vụ liền kề Chiêm Mai, xã Xuân Quan đang giao dịch từ 25-40triệu đồng/m2. Đây được coi là khoản đền bù có giá trị nhất đối với người nông dân.

Cuộc sống của người dân các xã bị thu hồi đất cho dự án Khu đô thị Ecopark trong những năm gần đây dần bớt khó khăn, vì họ là những nông dân giỏi, tay nghề của họ đã tạo nên một vựa hoa, cây cảnh vùng ven Hà Nội.

Tuy vậy, nguyện vọng của  2% cư dân còn lại chưa hài lòng với quá trình chuyển đổi này cũng cần được xem xét một cách thấu đáo./.