Ấn Độ và Việt Nam có thể hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực dược phẩm và cung cấp thuốc, trong đó có việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường bao gồm cả mua sắm công cho các công ty dược phẩm của hai bên.
Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 20/10. Theo đó, các công ty dược Ấn Độ vốn có uy tín trên toàn cầu về thuốc gốc chất lượng cao và sản phẩm đã được chứng nhận toàn cầu có thể tiếp cận với thị trường rất tiềm năng tại Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam được biết đến là điểm đến mới đầy tiềm năng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh mới sau đại dịch với chính sách thông thoáng, nền kinh tế mở (lượng xuất nhập khẩu năm 2019 là 517,12 tỷ USD, gấp gần 200% GDP).
Bên cạnh đó, lợi thế của Việt Nam là đã tham gia 13 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác trên thế giới. Những liên kết thương mại này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để được hưởng các ưu đãi thuế trong số các thỏa thuận này.
Bối cảnh mới cho thấy, doanh nghiệp Ấn Độ có nhiều tiềm năng hợp tác đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Tuy nhiên, FDI của Ấn Độ vào Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn với 286 dự án, tổng vốn đầu tư 889,6 triệu USD, đứng thứ 26 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Ấn Độ và Việt Nam có thể coi là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực thu hút FDI, nhưng với các lĩnh vực thế mạnh bổ sung cho nhau, hai nước vẫn có nhiều tiềm năng để thúc đẩy đầu tư song phương. Về thương mại, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hai chiều đạt hơn 10 tỷ USD và hai bên phấn đấu đưa kim ngạch này lên 15 tỷ USD trong thời gian sớm nhất.
Trong 8 tháng năm 2020, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 6 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất siêu khoảng 150 triệu USD. Theo một số tổ chức quốc tế, thương mại hai chiều Ấn Độ - Việt Nam có thể tăng thêm 1,1 tỷ USD mỗi năm. Với sự thay đổi chuỗi cung ứng sau Covid-19, nhiều kỳ vọng cho rằng, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ có thể ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với thương mại quốc tế.
Hiện tại, Chính phủ hai bên đã nhất trí xem xét việc dỡ bỏ các rào cản kỹ thuật và thương mại không cần thiết để tạo thuận lợi cho thương mại song phương; đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản phù hợp với các cam kết song phương và quốc tế, nhất trí xúc tiến các quy trình trong nước và trao đổi thông tin hướng tới tiếp cận thị trường đối ứng đối với các loại trái cây chọn lọc hai bên nhất trí thúc đẩy thương mại hàng hóa nông sản lớn hơn, tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và cơ giới hóa nông nghiệp cũng như nông nghiệp sạch và công nghệ cao./.