Trước một loạt các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam sẽ gia nhập như: Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Việt Nam- EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu, ngành dệt may của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn để hội nhập, chinh phục thị trường thế giới.

Nhằm tận dụng tốt lợi ích mà các hiệp định mang lại, đến nay ngành đã đặt ra nhiều giải pháp để nắm bắt cơ hội, giảm rủi ro, giữ vững đà tăng trưởng. 

6 tháng qua, xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục đạt kim ngạch 12,8 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với 42% so với tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may. 
det_may__kbli.jpg
Tại thời điểm này, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành Dệt May Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng. 

Tại các thị trường Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, kim ngạch đều đạt ở mức cao. Có thể nói, dệt may đã và đang là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn được Nhà nước ưu tiên nhiều chính sách phát triển. Đặc biệt, trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương...

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, năm nay là một năm khá thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam, khi quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại kết thúc, cơ hội cho ngành dệt may ngày càng nhiều hơn. Trong đó, Liên minh Châu Âu được đánh giá là thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này.

Với thị trường Hoa Kỳ, khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương được ký kết, thuế suất sẽ giảm dần và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị phần. 

Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu vừa được ký kết hồi cuối tháng 5 vừa qua, hiện, Việt Nam đang đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu Dệt may vào Liên minh kinh tế Á-Âu, với kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu USD. Khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 50% trong năm đầu tiên, và khoảng 20% trong năm tiếp theo. Trong vòng từ 3 đến 5 năm tới, Việt Nam có thể vươn lên đạt mức kim ngạch xuất khẩu tương đương với các nước Bangladesh, Ấn Độ và nằm trong Top 5 các nước xuất khẩu dệt may vào Liên minh kinh tế Á-Âu.

Nhằm đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại đa phương, song phương, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp dệt may đã chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế, tiếp cận thị trường, chuẩn bị tâm thế, nội lực để bước vào sân chơi lớn toàn cầu.

Ông Nguyễn Minh Hòa, đại diện công ty may xuất khẩu DHA cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều bước. Về sản phẩm, chúng tôi đã nghiên cứu các sản phẩm phù hợp với thị trường Nga cũng như ưu thế, lợi thế của mình. Chúng tôi đã chuẩn bị các kênh mà sẽ mua vật tư, có thể mua trong nước cũng như nhập khẩu nước ngoài để có thể làm ra những sản phẩm đạt được yêu cầu về chất lượng cũng như yêu cầu về xuất xứ, đáp ứng được yêu cầu của nước bạn và đạt được mức thuế thấp”.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cùng với sự tích cực tham gia đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường, đã mở ra cơ hội tăng kim ngạch và thị phần xuất khẩu của ngành dệt may. Điều này giúp cho sản phẩm dệt may không những có chỗ đứng vững chắc trên thị trường truyền thống, mà còn mở ra nhiều cơ hội ở các thị trường mới. Với những tín hiệu vui như vậy, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 28,5 tỷ USD trong năm nay có thể sẽ đạt được.

Ông Trường cũng cho biết, để có thể tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do trong thời gian tới, Tập đoàn dệt may Việt Nam đã đề nghị Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai việc phổ biến các Hiệp định Thương mại mới được ký kết; tạo điều kiện cho các chuyên gia của ngành nghiên cứu sâu các nội dung của Hiệp định để triển khai đến doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hiểu, tiếp cận Hiệp định và hiện thực hóa các nội dung của Hiệp định hiệu quả....

Về triển vọng phát triển của ngành dệt may trước một loạt các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu vừa được ký kết, ông Lê Tiến Trường cho biết: “Mỗi năm, Liên minh Kinh tế Á-Âu là một thị trường đã nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD hàng hóa dệt may. Năm 2014, Việt Nam xuất sang khối này chỉ có 320 triệu USD, thị phần của ta ở đó khoảng hơn 2%. Nếu xử lý tốt lợi ích của hiệp định bao gồm cả hàng rào thuế quan, đơn giản hóa thủ tục hải quan chắc chắn Việt Nam có thị phần khoảng 10% tại thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu trong 5 năm tới là khả quan”.

Tại thời điểm này, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành Dệt May Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành dệt may Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là các Hiệp định thương mại tự do ngày càng có nhiều quy định ràng buộc chặt chẽ, đòi hỏi phải có mức độ cam kết sâu rộng cả về thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ... Cùng với đó, Việt Nam phải chịu ảnh hưởng trực tiếp khi mức lương tối thiểu, giá cả nguyên phụ liệu, vốn đầu tư, tạo sức ép cho doanh nghiệp gia tăng chi phí sản xuất. Áp lực cạnh tranh đã đặt các doanh nghiệp dệt may trong nước trước nguy cơ tụt hậu khi bộc lộ một số điểm yếu về khâu dệt, nhuộm, hoàn tất...

Về hướng khắc phục khó khăn và chuẩn bị cho việc gia nhập các Hiệp định Thương mại tự do, bà Đặng Kim Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực để kêu gọi các doanh nghiệp kể cả nước ngoài cũng như trong nước đầu tư vào những điểm yếu nhất của chúng ta. Phải tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất may với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, phụ trợ để làm sao chúng ta tận dụng được các thành phẩm của nhau để làm nguyên liệu sản xuất cho dệt may. Như vậy, chúng ta mới đáp ứng được xuất xứ và được hưởng lợi từ FTA cũng như TPP”.

Hiệp định Thương mại tự do với những ưu đãi lớn đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam trong việc hội nhập và chinh phục thị trường thế giới. Đây là bước ngoặt và là cú hích lớn cho ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Để tận dụng tối đa lợi thế mà các hiệp định mang lại, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp dệt may cần nỗ lực hơn nữa và không ngừng đầu tư, cải tiến công nghệ, mẫu mã, chất lượng sản phẩm để có thể vươn xa và có chỗ đứng vững chắc trên thương trường quốc tế./.