Tại hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra tại thành phố Cần Thơ, nhiều chuyên gia cho rằng khu vực này cần giảm diện tích lúa, tăng diện tích nuôi thuỷ sản quy mô công nghiệp và các loại cây ăn quả.

vov_nuoi_tom_hynw.jpg
Mô hình nuôi tôm sạch tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng

Hiện đồng bằng sông Cửu Long chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước, riêng kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay dự kiến đạt 3,3 tỷ USD, tăng 9% so với năm ngoái.

Diện tích nuôi tôm tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển nhanh, hiện đạt gần 630.000 ha, chiếm trên 75% diện tích nuôi tôm của cả nước. Để đảm bảo cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp tại vùng ven biển phía Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã ưu tiên đầu tư trên 1.000 tỷ đồng nhằm chống quá tải, kết hợp cung cấp điện cho các vùng quy hoạch nuôi tôm trọng điểm như các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh…

Tuy nhiên, tại các tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nói trên hiện có đến 65% số hộ nuôi tôm theo quy mô gia đình, hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy ngành điện đang phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng nuôi tôm theo quy mô công nghiệp. Đồng thời tiếp tục thực hiện một số giải pháp tiết kiệm điện, tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm như: sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U, kết hợp chỉnh đồng trục dàn quạt, sử dụng động cơ có hiệu suất cao…

Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để phát triển vùng nuôi tôm bền vững và đạt hiệu quả, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam được giao nhiệm vụ cung cấp đủ điện cho vùng nuôi theo quy hoạch. Tổng Công ty đang phối hợp với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có vùng nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm. Từ đó, ngành điện có kế hoạch đầu tư đưa điện 3 pha vào đến các vùng quy hoạch./.