Chiều 8/11, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng chống dịch COVID-19. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn cần vượt lên đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân phối lại chuỗi cung ứng.

Theo đại biểu Cường, các doanh nghiệp và nền kinh tế phải được tăng cường thêm nguồn lực đầu tư theo 2 hướng chính. Đó là chính sách cấp bù lãi suất để doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát. Bên cạnh đó, phải tăng cường trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn, gia tăng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, bên cạnh giải pháp kích cầu truyền thống là đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công, cần có những giải pháp mới mang tính khác biệt là đặt hàng các doanh nghiệp trong nước đầu tư, phát triển các sản phẩm ưu tiên tạo nên những đột phá trong phát triển.

"Có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng. Thứ nhất là đường sắt, những đô thị lớn ở nước ta đang rất cần phát triển những tuyến đường sắt đô thị. Với địa hình đất nước kéo dài chúng ta cũng cần phát triển tuyến đường sắt Bắc- Nam" - đại biểu Cường cho hay.

Tuy nhiên, theo đại biểu Cường, chúng ta không thể cứ đi vay tiền về để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các tuyến đường sắt riêng lẻ. Hệ luỵ không chỉ là những vướng mắc nhãn tiền như vừa qua mà đang để lại hậu quả lâu dài do tính không đồng bộ, thiếu khả năng kết nối và phải phụ thuộc lâu dài vào những nhà cung cấp nước ngoài.

Vì vậy, ông cho rằng, nếu được Chính phủ đặt hàng và cam kết dành thị phần, các nhà đầu tư trong nước sẽ hợp tác hoặc mua lại công nghệ của nước ngoài. Kết hợp với những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ có ngành công nghiệp đường sắt hiện đại cho riêng mình.

Cũng theo đại biểu Cường, để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia và bứt phá vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta cần có hạ tầng công nghệ số của riêng mình để đi trước trong chuyển đổi số và chủ động kiểm soát đảm bảo an toàn cho tài sản số quốc gia.

Đề nghị ưu tiên phát triển giao thông liên vùng

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) nhắc đến bối cảnh năm 2021 khi đợt dịch thứ tư bùng phát đã gây ảnh hưởng nặng nề tới mọi lĩnh vực.

Đại biểu Đức kiến nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt trong phục hồi kinh tế, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, linh hoạt ưu tiên giữa nhiệm vụ phòng chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các dự án trọng điểm quốc gia, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, giải quyết dứt điểm các dự án yếu kém, chậm tiến độ làm tăng nợ công và làm giảm nguồn lực phát triển của quốc gia.

"Đề nghị Chính phủ, Quốc hội ưu tiên nguồn lực phát triển giao thông kết nối liên vùng, nhất là vùng núi biên giới phía Bắc để những nơi này có thể phát huy thế mạnh vốn có"- đại biểu Bế Minh Đức cho biết./.