Sáng 8/11, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV bước vào đợt họp thứ 2 bằng phiên thảo luận trực tiếp trên hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm (2022-2024).
Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nhất trí với báo cáo tình hình kinh tế phát triển của Chính phủ năm qua, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị khơi dậy sự ủng hộ tin tưởng của tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã hoàn thành nhiều mục tiêu chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng như báo cáo đã nêu, đặc biệt nước ta cơ bản kiểm soát được làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư.
Đề xuất kiến nghị phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội thời gian tới, đại biểu đoàn Quảng Bình quan tâm đặc biệt đến việc phục hồi và phát triển du lịch. Theo đại biểu, Chính phủ cân nhắc hỗ trợ tài chính và đào tạo lại đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp và người lao động du lịch.
Cụ thể, đại biểu nhấn mạnh đến giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp và linh hoạt cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, lực lượng lao động du lịch và người dân kinh doanh dịch vụ công cộng. Tăng cường thanh khoản và khả năng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, các khoản tín dụng, gia hạn trả nợ. Cùng với đó, tạo cơ chế đối thoại trao đổi thông tin hiệu quả giữa chính quyền các doanh nghiệp và tổ chức xã hội để nhanh chóng đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn và tận dụng các cơ hội cho phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới.
Về phát triển du lịch, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh tới việc xây dựng môi trường du lịch an toàn để kích thích nhu cầu du lịch. Giải pháp ưu tiên là ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến để tạo được sự tin tưởng của khách du lịch.
Cho biết, hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Bình đang khởi động lại hoạt động du lịch với các quy định lộ trình để du khách không phải cách ly khi đến, đại biểu kiến nghị cần có quy trình xử lý sự cố xảy ra liên quan đến dịch bệnh, đồng thời đánh giá mức độ an toàn, qua đó có quy trình được chuẩn hóa trong phạm vi toàn quốc và cần có sự kết nối với các nước để làm “ấm” lại thị trường du lịch.
Cùng quan tâm vấn đề phát triển kinh tế du lịch thời kỳ hậu Covid-19, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, từ năm 2020 đến nay, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Thống kê 9 tháng năm 2021, Việt Nam đón 114,5 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, giảm 97% so với cùng kỳ. Tình hình du lịch trong nước, nhu cầu du lịch của người dân giảm hẳn, nguồn thu từ du lịch trong 8 tháng năm 2021 chỉ đạt 136.520 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ.
Để thúc đẩy ngành kinh tế “không khói” trong thời gian tới, đại biểu đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị cần có giải pháp tăng năng lực cho doanh nghiệp du lịch về phát triển bền vững, cơ cấu lại hoạt động xúc tiến quảng bá, định vị thị trường mục tiêu, xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên xây dựng các gói kích cầu. Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương, hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và các bên cung ứng dịch vụ liên quan như hàng không, sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.
Đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Ưu tiên triển khai nhanh chiến lược tiêm vaccine cho người dân, người lao động tại các trung tâm du lịch. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong quản lý về thông tin du lịch, thông tin các điểm đến tại các địa phương, hình thành cơ sở dữ liệu liên thông từ Trung ương đến địa phương.
Nhấn mạnh lực lượng lao động cần được quan tâm đặc biệt trong quá trình phục hồi phát triển đất nước, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) nêu rõ, hiện là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước.
Cho biết, 2 năm qua, người lao động đang phải đối diện với tình trạng không có và thiếu việc làm trên diện rộng, dự báo tình hình năm 2022 sẽ còn tiềm ẩn phức tạp và khó khăn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đề nghị cần tập trung vào một số giải pháp, bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân để duy trì nguồn cung lực lượng lao động an toàn.
Theo đại biểu đoàn Quảng Bình, cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo, khởi nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động có trình độ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc góp sức vào quá trình phục hồi phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn các cấp, các cơ quan, xí nghiệp cần tạo lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ người lao động chăm sóc con cái khi trường học chưa được trở lại bình thường. Cùng với đó, đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất; cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện; nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động cần tăng nguồn vốn giải quyết việc làm cho các ngân hàng ưu tiên các ngành nghề giải quyết nhiều lao động để từ đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động có ý định bám trụ tại quê nhà.
Nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch vẫn đang còn lan rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, đại biểu đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế đào tạo đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, hạn chế việc đào tạo tràn lan tốn kém nhưng lại không đáp ứng với yêu cầu thực tiễn./.