Ngày 5/6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Văn bản chồng lên văn bản
Theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn,hệ thống văn bản, pháp luật, về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành tương đối đầy đủ và có thể nói rất nhiều trong vòng 10 năm qua.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) dẫn chứng giai đoạn 2006 – 2010, bên cạnh các nghị quyết của Đảng, Quốc hội riêng Chính phủ đã ban hành tới 237 văn bản bao gồm 8 nghị quyết, 43 nghị định, 134 quyết định, 38 thông tư liên tịch và 14 quyết định của các bộ, cơ quan ngang bộ.
“Với một rừng văn bản chính sách như vậy, sự trùng lặp không đồng nhất dễ xảy ra gây khó khăn cho công tác thực hiện. Ví dụ, liên quan đến xây dựng nhà ở cho người dân vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long có tới 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ” – đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói.
Văn bản thì nhiều nhưng theo đánh giá vẫn thiếu vắng những chính sách mang tính đột phá cho sự phát triển. Đại biểu Nguyễn Thu Anh (đoàn Lâm Đồng) chia sẻ thực tế này: “Một số văn bản hướng dẫn ban hành chưa kịp thời, đầy đủ còn chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình thực hiện”.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (đoàn Bình Định), nhiều chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân có nội dung chồng chéo, trùng lặp, trên cùng một địa bàn thực hiện nhiều chính sách với nhiều đầu mối quản lý, không ít những chính sách, văn bản ban hành còn mang tính hình thức chưa sát với thực tế, triển khai thiếu đồng bộ nên rất ít tác dụng.
Phân bổ đầu tư chưa hợp lý
Nguồn lực đầu tư và phân bổ đầu tư mới đáp ứng được 55-60% nhu cầu. Đặc biệt nhiều chương trình mục tiêu, nhiều dự án giữa thiết kế, giữa thực hiện còn kéo dài do ý tưởng thì cao nhưng nguồn lực hạn chế, sự thất thoát và tính hiệu quả còn hạn chế.
Thực tế, tỷ lệ vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn so với GDP ngày càng giảm, mặc dù số tuyệt đối tăng. Theo Báo cáo giám sát tổng vốn đầu tư năm 2006 - 2011 là hơn 433 nghìn tỷ đồng. Tính bình quân mỗi năm cho mỗi xã đầu tư kết cấu hạ tầng khoảng 10 tỷ, chưa kể cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Về cơ cấu đầu tư, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) cho rằng, chưa cân đối giữa đầu tư về hạ tầng cơ sở với đầu tư cho việc áp dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và hội nhập quốc tế. Riêng lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 5 năm đầu tư cho thủy lợi đã chiếm tới 79% tổng nguồn thu. Đầu tư cho chương trình giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu khoa học còn thấp và “Điều này lý giải tại sao chưa có bước chuyển mạnh trong sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu của Trung ương” – đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói.
Ngoài ra, việc đầu tư cho nông thôn vẫn “xoay quanh vấn đề xây dựng điện, đường, trường, trạm, chợ” – đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) nhận xét.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thu Anh cho rằng, đầu tư chỉ mới chú trọng vào hạ tầng, cụ thể là các công trình thủy lợi, nên phần lớn nguồn tiền chỉ tập trung vào xây mới các công trình chưa chú trọng đến nâng cấp đồng bộ hóa hệ thống.
Nhận xét chung là việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp rất chậm, nông dân được hưởng ít nhất từ những thành quả phát triển kinh tế xã hội. Chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn là 15,9%, trong khi đó ở thành thị là 5,1%. Đây là nguyên nhân giải thích cho hiện tượng nhiều con em nông dân lao động trung niên ra thành thị để kiếm thêm việc làm hoặc sau khi tốt nghiệp không muốn trở về quê hương làm ăn sinh sống. Nông thôn thì còn lại người già, trẻ em và những người lao động không thể thoát ly đồng ruộng vì họ không có tay nghề và điều kiện để có thể chuyển sang làm công nhân một cách ổn định” – đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (đoàn Bình Định) phân tích.
Và hệ quả…
Từ cách đầu tư manh mún, kém hiệu quả dẫn tới sản xuất trên địa bàn cả nước vẫn còn manh mún, nhiều sản phẩm ở vùng nào cũng có, nơi nào cũng có, dẫn đến sự tập trung đầu tư khoa học công nghệ cho sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu. “Tất cả quy hoạch của cả nước các vùng miền chúng ta đều có cố gắng để làm những nhưng thực tiễn còn nhiều khó khăn bất cập” đại biểu Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) nói.
Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) tuy đã có tác dụng tích cực, nhưng chưa đạt được như mong muốn và yêu cầu thực tiễn. Đầu tư chưa hiệu quả, còn lãng phí dàn trải, chất lượng một số công trình hạ tầng cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Một số công trình, dự án đầu tư công không sử dụng được hoặc không phát huy được hiệu quả. Một số chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước cho người dân còn hạn chế, chưa đi vào cuộc sống.
Một tồn tại bao nhiêu năm nay là công tác giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia năm nào cũng chậm, rồi không khắc phục được. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đưa ra nguyên nhân chính là do cơ chế xin cho còn tồn tại. “Tâm lý ban phát còn nặng, thủ tục hành chính còn rườm rà và cứng nhắc. Thường tới cuối quý II thì kinh phí mới tới các cơ sở. Việc chậm này chủ yếu vẫn do các thủ tục hành chính ở trung ương”.
Từ việc chậm cấp kinh phí, đại biểu Bùi Mạnh Hùng dẫn ra hệ quả là: các dự án triển khai chậm, cuối năm thi công vội vàng, chất lượng kém là khó tránh khỏi. Có công trình chưa thật phù hợp, thiết kế không phù hợp nhưng rất khó thay đổi vì thời gian không còn, dẫn đến lãng phí. Đơn vị thụ hưởng thì nhiều khi cũng đành phải chấp nhận. Bởi vì có còn hơn không./.