Tạp chí Forbes đặt danh vị “zero to hero”. 18 năm qua, cái tên này là hình ảnh đại diện cho những hoài bão, tham vọng, khát khao vươn ra thế giới của doanh nhân Việt…
Bắt đầu từ nghĩ khác
Cách nghĩ khác đầu tiên làm thay đổi cuộc đời Đặng Lê Nguyên Vũ có lẽ là quyết định rời bỏ đại học y, chuyển sang thu mua cà phê về rang xay. Nghe kể lại, mẹ ông khóc ròng vì quyết định này. Nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ đã quyết bỏ 6 năm học ngành y thay vì biến cuộc đời mình trở nên vô dụng.
Trên chiếc xe đạp cà tàng, đến từng đại lý thu mua cà phê để bắt đầu sự nghiệp, những ý tưởng lớn dần theo những vòng quay bánh xe. Nung nấu trong đầu chàng trai Tây Nguyên này là câu hỏi: Tại sao Việt Nam, mà chủ yếu là Buôn Ma Thuột, nơi có hạt cà phê vào loại ngon nhất thế giới, xuất khẩu cà phê cũng vào hàng đầu thế giới, nhưng giá trị thu về vẫn thấp, nông dân vẫn nghèo?
Cách nghĩ khác tiếp theo làm thay đổi sự nghiệp của anh chàng kinh doanh cà phê rang xay đó là chỉ có chế biến mới tạo nên giá trị. Tư duy này hiện giờ là phổ biến, nhưng cách đây 18 năm, khi Hãng cà phê Trung Nguyên ra đời, xuất khẩu cà phê thô vẫn là mục tiêu chính. Thậm chí, ý tưởng chế biến cà phê của Vũ bị kêu là khùng, chứ chưa nói đến tham vọng chế biến cà phê ngon để xuất khẩu.
Ngay cả việc Đặng Lê Nguyên Vũ đã đặt tên cho doanh nghiệp của mình cũng rất khác, nghe khá ngông, đó là “Hãng cà phê Trung Nguyên”. Trong tiếng Việt và trong ý niệm của giới kinh doanh nói chung, hãng là một cơ sở to tát, chứ không thể là một căn nhà nhỏ ọp ẹp và chiếc máy rang xay cà phê cũ kỹ công suất thấp như của ông chủ Hãng cà phê Trung Nguyên khi đó.
Trái ngược với những lời bàn tán, không lâu sau, thương hiệu cà phê Trung Nguyên vượt ra khỏi ranh gười Đắk Lắk. Năm 1998, cuộc đổ bộ rầm rộ, với sức công phá mạnh đã giúp cà phê Trung Nguyên phủ khắp các ngõ ngách của Sài Gòn, tới từng dân nghiền cà phê. Đặng Lê Nguyên Vũ đã tạo ra cách thức để khách hàng tự mình trở thành người sành điệu về cà phê, tự tạo hình ảnh cá nhân qua sự lựa chọn khác nhau trong từng hương vị của cà phê.
Thậm chí, người ta đã gọi tất cả các loại cà phê ngon, có gu là cà phê Trung Nguyên như một chỉ dẫn cho thị trường cà phê Việt Nam, như cách mà người Việt vẫn gọi xe máy là Honda…
Tháng 2/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là “Vua cà phê” một cách chính thức trên tờ tạp chí uy tín National Geographic Traveller và vào tháng 8/2012, Tạp chí Forbes nhắc lại danh hiệu này với lời ca ngợi “zero to hero” (nhân vật từ vô danh thành anh hùng).
Đến làm khác
Nhưng thương hiệu Đặng Lê Nguyên Vũ được tạo nên không chỉ bởi nghĩ khác mà chính là dám làm khác, dám thay đổi thói quen, thông lệ. Quan trọng hơn, nhìn lại một chặng đường, có thể gọi đúng tên chìa khóa của sự thành công trong sự nghiệp của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ là tầm nhìn.
Nhưng phân tích bài toán kinh tế của xuất khẩu cà phê, rằng nhà xuất khẩu cà phê thô chỉ được hưởng một phần nhỏ, trong khi lượng tiền khổng lồ rót vào túi những hãng chế biến cà phê, doanh nhân Nguyên Vũ bắt tay ngay vào nghiên cứu và chế biến cà phê. Nghĩa là thay đổi cách làm cũ, con đường cũ.
Đối diện với vua cà phê, lúc nào cũng thấy sức sáng tạo, hay nói đúng là nhu cầu sáng tạo luôn chảy trong người ông. Lúc nào cũng thấy ông nghĩ về việc làm sao để đưa cà phê Việt Nam lên vị trí xứng đáng trên thị trường thế giới, bí quyết xây dựng thương hiệu cà phê của các nước khác, các hãng cà phê hàng đầu khác trên thế giới là thế nào; làm cách nào để chế biến cà phê ngon nhất…
Chính Đặng Lê Nguyên Vũ tìm ra điểm hạn chế của cà phê Việt Nam, nghiên cứu và đệ trình Chính phủ các kế hoạch dài hạn, các dự án phát triển ngành cà phê Việt Nam, trong đó phần quan trọng là giúp đỡ nông dân trồng cà phê từ khâu canh tác đến thu hoạch và tiêu thụ, hướng tới mục tiêu đưa ngành cà phê Việt Nam đạt 20 tỷ USD/năm…
Rồi ông cũng lên quy trình trồng cà phê theo triết lý khoa học - văn hóa – tâm linh. Nghĩa là, trồng cà phê theo lối tự nhiên, không độc hại, gây tổn thương môi trường; thu hoạch, chế biến theo tiêu chuẩn tiên tiến, cùng tổ chức các lễ hội cà phê, lễ hội cồng chiêng, tôn vinh những sáng tạo trong lĩnh vực cà phê và xây những biểu tượng, niềm tin trong một thế giới đang khủng hoảng.
Không lúc nào thấy Vũ mệt mỏi khi nói và khi hành động vì cà phê Việt Nam, vì giấc mơ đưa Đắk Lắk trở thành thiên đường cà phê, “Thánh địa cà phê toàn cầu”…
Nói như Đăng Lê Nguyên Vũ, ước mơ – khao khát – hành động chưa bao giờ là những điều không tưởng. Với ông, ước mơ phải thật lớn, khao khát phải cháy bỏng và thực hiện chúng với niềm tin mãnh liệt bằng tất cả sức mình và theo đường lối cấp tiến khoa học
Bản sắc cà phê Trung Nguyên và bản sắc “Vũ”
Trong những giấc mơ thành đạt của Đăng Lê Nguyên Vũ luôn có dấu ấn đậm nét của lòng tự tôn dân tộc và tình yêu thương vô bờ bến với những người dân cùng đồng hành với mình. Sự gắn kết náy khiến thành công của Vủ trong sự nghiệp cà phê của mình gắn liền với sự hiện diện ngày một rõ ràng của diện mạo cà phê Việt Nam, bản sắc cà phê Việt Nam và tầm ảnh hưởng của cà phê trong tâm thức, đời sống của người Việt cũng như thế giới.
Không hề quá khi nói rằng sự xuất hiện của Đăng Lê Nguyên Vũ đã đánh thức cà phê Việt Nam, làm cho tầm vóc cà phê lớn lên, có sức sống, có hồn. Trước Vũ và đến tận giờ này, không có ai trăn trở đi tìm và xây dựng học thuyết về cà phê, xây dựng văn hóa về cà phê…
Tháng 11/2012, Đăng Lê Nguyên Vũ là người châu Á duy nhất được mời tham dự Hội thảo “Thiết lập chương trình nghị sự quốc tế” tổ chức tại lucerne (Thụy Sĩ) và gây kinh ngạc khi khẳng định “học thuyết cà phê” sẽ thay thế các học thuyết đã gãy đổ. Tham luận của ông đã được đăng trên cuốn Bác cáo chỉ số hòa bình toàn cầu 2012 và Báo cáo trách nhiệm xã hội doanh nghiệp toàn cầu 2012.
Sự kiện này hỗ trợ cho chiến lược mà Đăng Lê Nguyên Vũ đã dành bao tâm huyết, đó là chinh phục thị trường thế giới, để Việt Nam nói chung và Trung Nguyên nói riêng sẽ là thuuwong hiệu cà phê hàng đầu thế giới! Nếu bạn muốn là người dẫn đầu, hãy cạnh tranh với những người dẫn dầu vì chỉ cần chiến thắng họ, bạn chắc chắn là người dẫn đầu – đó chính là con đường mà Vũ vạch ra và theo đuổi để đạt được mục tiêu của mình.
Trên con đường ấy, Trung Nguyên đang tiến vào thi trường Mỹ với những bước đi vững chắc, lấy châu Á là thị trường nội địa của mình và tâm điểm bệ phóng Singapore.
Sứ mạng với thế hệ trẻ
Đặng Lê Nguyên Vũ chẳng hề giấu giếm bí quyết thành công của mình. Trái lại, ông còn đặt rất nhiều kỳ vọng ở thế hệ trẻ kế tiếp và tin rằng, mỗi người đều có thể trở thành con người tài giỏi. “Mọi công dân đều có quyền nghĩ lớn”, ông Vũ thẳng thắn.
Ông chia sẻ: “Tôi tự thấy mình có sứ mệnh với thanh niên Việt Nam,mong muốn họ tin rằng, những gì tôi có thể làm được, họ cũng làm được”.
Thậm chí, ông còn muốn mình là nguồn cảm hứng để khơi dậy sức mạnh ở họ. Vì bản thân ông, từ xuất phát điểm thấp, một hành trình dài đầy thử thách, nhưng ông đã làm được và tiếp tục làm hơn thế nữa. Các bạn trẻ hiện giờ, với nhiều điểm thuận lợi hơn, hoàn toàn có điều kiện để gây dựng một sự nghiệp thành công hơn nếu thật sự dám dấn thân.
Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định, rất nhiều thanh niên Việt Nam có thể có mộng làm giàu, dám nghĩ, dám làm, nhưng điều đó chưa đủ, mà phải biết cách thực hiện nữa: “Nếu không ước mơ, làm sao có hiện thực? Nếu không hành động, đừng mong có thành quả”, ông chia sẻ.
Công thức thành công của ông Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ là: (1) Phải có ước mơ lớn, (2) Lựa chọn đúng lĩnh vực và (3) Giải quyết vấn đề một cách thông minh. Chính nhờ yếu tố thứ 3 mà những ước mơ lớn của Đặng Lê Nguyên Vũ không hề viển vông mà đang dần trở thành hiện thực khiến nhiều người khâm phục. Nghĩ được, làm được, còn gì tuyệt vời hơn thế nữa!
Đặng Lê Nguyên Vũ đã bắt đầu việc “truyền lửa” đến các bạn trẻ bằng việc tặng sách “Nghĩ giàu làm giàu” và “Quốc gia khởi nghiệp” cho thanh niên cả nước. Trong năm 2014, ông tiếp tục tặng các cuốn sách tiếp theo gồm “Khuyên học” và “Đắc nhân tâm”. Ông tin rằng, có những cuốn sách sẽ làm thay đổi cuộc đời, nhưng không hiểu.
Nhưng doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ cũng nhắn gửi, không có công thức chung cho tất cả và từng bạn trẻ cần tìm đọc có chọn lọc để tìm ra công thức cho chính bản thân mình./.