Lễ hội cà phê lần thứ 4 - 2013 diễn ra từ 9-12/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Kể từ năm 2005, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột bắt đầu được tổ chức và được đánh giá là 1 trong 10 sự kiện lớn của hoạt động thương mại Việt Nam, nhằm góp phần quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài nước mở rộng, phát triển các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; nâng cao nhận thức và tôn vinh các doanh nghiệp và những người nông dân sản xuất, phát triển cà phê bền vững, góp phần xây dựng và từng bước định hình về thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk  nói riêng.

Sự phát triển của cây cà phê là thành tựu lớn của ngành nông nghiệp nước ta. Từ chỗ không được ghi vào bản đồ các nước trồng cà phê, năm 2012, Việt Nam đã ở vị trí đứng đầu thế giới về cà phê xuất khẩu.

Nhân dịp Lễ hội cà phê lần thứ 4, phóng viên VOV online phỏng vấn ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên - một doanh nhân nổi tiếng, có tâm huyết với ngành cà phê Việt Nam khi mơ ước đưa cà phê vượt ra ngoài ranh giới quốc gia.

dang-le-nguyen-vu.jpg
Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ trong phòng thu trực tiếp của Cơ quan thường trú Đài TNVN tại Tây Nguyên

PV: Thưa ông, chủ đề của Lễ hội cà phê lần thứ 4-1013 là “Liên kết phát triển”, ông có thể cho biết tại sao chúng ta lại chọn chủ đề đó?
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ:Ngành cà phê Việt Nam có thể đem về lợi nhuận khoảng 20 tỷ USD/năm nếu chúng ta biết cách làm tốt hơn hiện nay cũng như xây dựng được một chiến lược quốc gia về phát triển ngành cà phê. Trong tiến trình phát triển, một điều không thể thiếu là chúng ta cần phải liên kết và hợp tác đa phương trong tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu cũng như xây dựng thương hiệu. Trong quá trình liên kết này, không chỉ có các bộ phận trong ngành cà phê mới liên kết và hợp tác với nhau, mà các ngành sản xuất khác cũng có thể liên kết với ngành cà phê để cùng phát triển cũng như quảng bá thương hiệu của mình. Tôi lấy ví dụ: Gốm sứ Bát Tràng có thể liên kết với ngành cà phê được không? Hoàn toàn có thể được. Thông qua các sản phẩm gốm sứ dùng để uống cà phê, người tiêu dùng trong nước và trên thế giới có thể biết nhiều hơn đến sản phẩm của Bát Tràng và ngược lại.
Trong cuộc chơi, cuộc cạnh tranh như hiện nay, chúng ta cũng không thể thiếu các “ông lớn” trong ngành cà phê thế giới. Trong cuộc chơi này, chúng ta cần xây dựng được chiến lược quốc gia cụ thể, nếu không các tập đoàn cà phê lớn của thế giới khi vào Việt Nam họ có thể kiểm soát, khống chế và cuối cùng cà phê Việt Nam chỉ đem lại lợi nhuận cho họ chứ không phải đem lại lợi nhuận nhiều cho đất nước cũng như nông dân trồng cà phê Việt Nam. Đặc biệt, họ có thể “đè bẹp” các doanh nghiệp cà phê Việt Nam.Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, trong cuộc chơi với các “ông lớn” trong ngành cà phê thế giới, chúng ta phải liên kết, phải hợp tác đa phương. Tất cả sự liên kết, hợp tác này phải nằm trong một chiến lược, quy hoạch quốc gia do chúng ta chủ động vạch ra chứ không phải để họ thao túng.
PV:
Trong phát biểu tại Lễ hội cà phê năm nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân có đưa ra một so sánh, trong khi ngành dệt may phải nhập khẩumáy móc, thiết bị, vật tư chiếm 51% nhưng vẫn tạo ra giá trị mới gấp 1,5 lần so với ngành sản xuất cà phê vốn chủ động từ khâu sản xuất giống đến khâu chế biến thành phẩm.
Theo ông, chúng ta phải làm gì để cà phê có thể đem lại lợi nhuận cao hơn?
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ:Theo tôi, chúng ta cần phải tạo ra được cụm ngành cà phê quốc gia. Đây là điều mà chúng tôi đã đề xuất và trong thời gian gần đây, các nhà hoạch định chính sách ở cấp độ quốc gia đã bắt đầu chú ý. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm rõ cấu trúc nội hàm của cụm ngành này như thế nào để giúp các nhà hoạch định có thể đưa ra những chính sách cụ thể.Để làm được điều này, cần có sự nghiên cứu thấu đáo trong nội ngành cà phê thế giới, cũng như nghiên cứu, học hỏi các cách làm hay của các ngành khác, từ đó đưa ra những cách làm cụ thể nhằm tăng lợi nhuận đem lại từ cà phê gấp nhiều lần hiện nay, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân trồng cà phê cũng như các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh cà phê của chúng ta.
Thông qua các sản phẩm gốm sứ dùng để uống cà phê, người tiêu dùng trong nước và trên thế giới có thể biết nhiều hơn đến sản phẩm gốm sứ Việt Nam và ngược lại (ảnh minh họa)

PV: Việc quảng bá thương hiệu ra thế giới là một công việc khó khăn và chi phí rất lớn nếu tiến hành theo cách truyền thống. Với chi phí bỏ ra lớn như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể theo nổi. Đối với Trung Nguyên, việc quảng bá được tiến hành như thế nào để đạt hiệu quả mà chi phí bỏ ra hợp lý, thưa ông?
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ:Như các bạn đã biết, để sản phẩm xuất hiện trên báo chí nước ngoài đòi hỏi kinh phí rất lớn. Đơn cử, một góc quảng cáo trên Nhật báo phố Wall (Mỹ) phải mất từ 30.000 - 50.000 USD. Tôi muốn kể câu chuyện của Trung Nguyên. Nếu thương hiệu của Trung Nguyên xuất hiện tại Mỹ theo con đường truyền thống thì chắc chắn Trung Nguyên không đủ sức để quảng bá trên các phương tiện truyền thông lớn. Chính vì vậy chúng tôi đi theo hướng là làm sao để việc mình xuất hiện tại Mỹ tạo ra một sự kiện thực sự và có tính lâu dài khiến cho các phương tiện truyền thông từ truyền hình, báo in, báo điện tử… để ý đến và đưa tin về mình.
Tuy nhiên, để tạo được sự kiện như vậy, chúng ta phải biến sự xuất hiện của mình thành một câu chuyện rất rất hay. Tôi tin rằng, nếu chuẩn bị thật kỹ như những gì Trung Nguyên đang triển khai thì chắc chắn người Mỹ sẽ để ý đến chúng ta và nói về Trung Nguyên, nói về Việt Nam và nói về cà phê Việt Nam. Điều mà Trung Nguyên hướng tới và đang hoạch định sẽ rất khác những việc mà Trung Nguyên đã làm trong quá khứ cũng như hiện tại.

Xin cảm ơn ông!./.