Đồng thời, xem xét hỗ trợ kinh phí xét nghiệm Covid-19 để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì hoạt động, đảm bảo sự liên tục trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Báo cáo của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số lượng đàn gia súc, gia cầm và sản lượng thủy sản tại các tỉnh phía Nam đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của cả khu vực, riêng thủy sản còn phục vụ phần lớn các đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, đó là trong điều kiện đảm bảo duy trì được chuỗi chăn nuôi – giết mổ - chế biến – tiêu thụ một cách thông suốt.
Hiện nay số lượng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, nhà máy chế biến thủy sản tạm ngừng hoạt động hoặc giảm công suất ngày càng nhiều do dịch Covid 19. Điều này đã và đang ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị thực phẩm, nguồn cung hàng hóa ra thị trường, trong khi nguồn nguyên liệu của nông dân bị ách tắc đầu ra.
Đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, từ khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp thu mua rau quả ở khu vực phía Nam chưa được hướng dẫn cụ thể. Tại các nhà máy sơ chế, công nhân rất lo ngại do chưa có hướng dẫn lao động trong điều kiện dịch bệnh. Thêm vào đó, các vùng bị phong tỏa dẫn đến thương lái không thể vào thu mua, tiêu thụ, làm thị trường bị thiếu hụt.
Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể trong các khâu cung ứng nông sản nhất là công tác phòng chống dịch để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động yên tâm làm việc.
“Các tỉnh cũng đã bám sát và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tuy nhiên gần đây một số doanh nghiệp phản ánh phải test Covid-19 khá nhiều, cứ 2 - 3 ngày lại phải đưa nhân viên đi test do vậy chi phí của doanh nghiệp bị tăng lên. Việc phòng chống dịch là phải làm nhưng cũng phải xem xét ở góc độ nào đó để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, tránh tình trạng chi phí tăng dẫn đến giá thành sản phẩm cũng bị đẩy lên” - bà Vũ Thị Hậu nói.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, đảm bảo an toàn dịch trong các cơ sở chế biến nông sản hiện nay rất quan trọng hiện nay bởi nếu không đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Bài học kinh nghiệm từ phòng chống dịch bệnh trên động vật với việc áp dụng cách ly, đảm bảo an toàn cho người lao động có thể được áp dụng tùy thuộc vào tình hình của các cơ sở chế biến. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cơ sở khi phát hiện trường hợp F0 trong việc tổ chức vệ sinh, tiêu độc sát trùng môi trường và kiểm soát người ra vào để doanh nghiệp sớm trở lại sản xuất.
“Bây giờ chúng ta mới chỉ đạo là “3 tại chỗ” nhưng điều này không phải cơ sở, đơn vị nào cũng thực hiện được. Do vậy, đối với các cơ sở chế biến chúng ta phải đề nghị với Bộ Y tế hướng dẫn những cơ sở đã có những trường hợp F0 sau khi sàng lọc đưa ra rồi thì tổ chức vệ sinh tiêu độc sát trùng, kiểm soát người ra vào như thế nào để sớm tổ chức lại sản xuất chế biến ở các cơ sở. Đối với những cơ sở đảm bảo đủ điều kiện “3 tại chỗ” thì vẫn cho triển khai sản xuất, đồng thời Bộ Y tế và các tỉnh hỗ trợ kinh phí test nhanh hoặc xét nghiệm PCR đối với những người tham gia trực tiếp chuỗi nông sản” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị./.