Chính quyền thành phố khẳng định, lượng hàng hóa luôn ổn định đáp ứng nhu cầu, người dân không cần đua nhau tích trữ.
Dậy từ 6h sáng để đi chợ mua lương thực về tích trữ nhưng chị Nguyễn Thị Nga, ở phường Tự An đành phải quay về vì không thể chen nổi vào chợ. Đến 9h chị quay lại chợ thì thực phẩm gần như hết sạch, giá cả cũng tăng chóng mặt
“Khi 9h tôi ra chợ đi một vòng thì tất cả các loại mặt hàng như xả, chanh, gừng để nấu nước uống phục vụ mùa Covid-19 thì đắt gần gấp 3 lần. Ví dụ, gừng bình thường 65.000 - 70.000 đồng/kg thì sáng nay lên 150.000 đồng/kg, xả bình thường thì 40.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg… thịt gà, vịt thì cháy hết” - chị Nga nói.
Không chỉ ở các chợ, tại các Trung tâm thương mại, tình trạng người dân đổ xô đến mua hàng tích trữ cũng xảy ra. Theo bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, dù đã nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh tại Đắk Lắk nên siêu thị đã tăng lượng hàng gấp đôi so với bình thường.
Tuy nhiên, do buổi sáng ngày 18/7, lượng người mua đến đông nên một số mặt hàng như rau, củ, quả đến 9h đã hết. Để đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân, đơn vị đã có kế hoạch dự trữ sẵn các mặt hàng thực phẩm thiết yếu: Gạo, các sản phẩm ăn liền như mì tôm, bún phở khô các loại; gia vị, đồ hộp và hàng đông lạnh các loại. Riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống như: thịt, cá, trứng, rau củ quả các loại… đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp có kế hoạch dự trữ tăng thêm lượng hàng để đảm bảo cung ứng kịp thời cho siêu thị khi sức mua tăng cao.
Đối với các mặt hàng thiết yếu như trứng gà, mì tôm… để bình ổn thị trường và ưu tiên người tiêu dùng mua trực tiếp, tránh sự đầu cơ thu gom số lượng lớn, siêu thị đã giới hạn mỗi khách hàng được mua tối đa 2 thùng mì tôm và 2 vỉ trứng/ngày.
Bà Trần Thị Thành Nhân khẳng định, siêu thị sẽ không tăng giá để bình ổn thị trường: “Giá hiện tại bên siêu thị vẫn ổn định, riêng mặt hàng trứng với một số củ quả bị hụt hàng thì các nhà cung cấp cũng tăng giá theo giá thị trường, tuy nhiên bên siêu thị giữ nguyên giá như vậy để cho sản phẩm bình ổn thị trường”.
Lý giải về tình trạng người dân đổ xô đi tích trữ hàng hóa trong buổi sáng nay, ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho rằng: do tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng, số ca mắc mới tăng nhanh, thành phố lại đột ngột áp dụng Chỉ thị 15 khiến tâm lý của người dân có phần hoang mang.
Thành phố Buôn Ma Thuột cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch cung ứng thực phẩm và nhu cầu thiết yếu cho người dân. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã sẵn sàng các phương án điều tiết, khơi thông hàng hóa trong tình huống xấu nhất bảo đảm cho người dân mua sắm, không lo tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Đối với các hoạt động đầu cơ, tích trữ hàng hóa, thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm nếu vi phạm
“Thành phố có sự phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh để tiến hành kiểm tra và sẽ xử lý các trường hợp đầu cơ. Nguồn cung thì qua nắm tình hình với các siêu thị và các cơ sở cung ứng thực phẩm đặc biệt về rau củ quả thì Buôn Ma Thuột không thiếu. Về cơ bản các điều kiện đến thời điểm hiện nay vẫn đảm bảo” - ông Đoàn Ngọc Thượng nói./.