Bên cạnh việc TP.HCM và 1 số tỉnh lân cận đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì từ 0h ngày 19/7 sẽ có thêm 16 địa phương khác ở khu vực phía nam cũng sẽ thực hiện Chỉ thị 16.
Giãn các xã hội diện rộng chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn cho đời sống của người dân và việc cung ứng hàng hóa lương thực thực phẩm. Vậy các mặt hàng thiết yếu có được đảm bảo đầy đủ cho vùng phong tỏa không? Người dẫn sẽ được cung cấp lương thực thực phẩm qua những hình thức như thế nào?
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã chỉ đạo Bộ Công Thương chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Khẳng định đã có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm để vận chuyển đến các tỉnh thành phố đang có dịch.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Chúng tôi cũng chuẩn bị tinh thần khi có dịch có thể có sự xáo trộn. Hiện nay, chúng tôi đã phối hợp với chặt chẽ với TP.HCM và các địa phương có phương án vận chuyển hàng hóa đưa đến các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Để đưa hàng hóa đến những nơi cần thiết, giúp người dân thuận lợi tiếp cận được các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của đời sống”.
Từ thực tế những tỉnh thành trước đây bùng phát dịch bệnh phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 diện rộng nhưng không có tình trạng khan hiếm hàng hóa, Bộ Công thương cũng kêu gọi người dân không tập trung đông người và không tích trữ quá nhiều thực phẩm.
“Chính phủ, các bộ ngành Trung ương trong đó có Bộ Công Thương luôn đảm bảo đủ số hàng để đảm đủ nhu cầu thiết yếu. Chính vì vậy, chúng tôi mong người dân các tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16 cần bình tĩnh. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để nhu cầu thiết yếu của người dân được đảm bảo. Nếu chúng ta đổ xô đi đến nơi mua hàng, tập trung đông người thì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao…”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị.
Khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân phải hạn chế tối đa đi ra khỏi nhà. Vậy người dân được cung ứng thực phẩm qua các hình thức như thế nào? Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, căn cứ vào đặc điểm tình hình, mỗi địa phương cần có những hình thức cung ứng hàng hóa phù hợp như tăng cường mua bán trực tuyến, tổ chức bán hàng lưu động...
“Chúng tôi đã đưa ra những khuyến cáo, những hướng dẫn. Ví dụ như TP.HCM hiện nay đang dừng đến 2/3 các chợ truyền thống, chợ đầu mối. 30% còn lại sẽ phải tập trung vào các trung tâm thương mại, siêu thị. Chúng tôi đã đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị tăng giờ bán lên hàng ngày. Hiện TP.HCM đã xem xét mở lại 1 số chợ truyền thống để tăng đầu mối cung cấp thực phẩm hàng hóa thiết yếu nhưng với điều kiện đảm bảo yêu cầu về chống dịch” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm./.