Bắt đầu từ 20h tối qua (20/5) giá xăng trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng lên 1.200 đồng/lít, trong khi giá xăng dầu thế giới từ ngày 5/5 đến nay diễn biến giảm. 

Như vậy, trong một tháng qua, giá xăng đã hai lần tăng và đây là lần tăng giá thứ ba kể từ đầu năm, nguyên nhân vẫn được cho là do áp lực tăng của giá dầu thế giới. 

giadsau_vafh.jpg
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, đoàn Thái Bình trả lời phỏng vấn về giá xăng dầu

Với đặc thù là một trong những mặt hàng "nhạy cảm" có tác động lớn đối với người dân, và doanh nghiệp, do vậy cũng như những lần trước đó, quyết định điều chỉnh giá xăng, dầu lần này cũng vấp phải phản ứng không tích cực.

Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần phải minh bạch, công khai hơn nữa để người dân hiểu, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Theo các đại biểu, việc điều chỉnh tăng hay giảm giá mặt hàng xăng dầu là điều hết sức bình thường trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, nhất là khi nước ta còn phụ thuộc nhập khẩu. Vấn đề là ở chỗ, quyết định điều chỉnh tăng hay giảm, mức điều chỉnh như thế nào cần được thông tin kịp thời, minh bạch tới người tiêu dùng. Vì thực tế có nhiều cử tri phản ánh, đồng thời bày tỏ sự bức xúc khi giá xăng giảm chậm tăng lại rất nhanh, nên cơ quan quản lý Nhà nước cần đề nghị doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải minh bạch công khai hơn nữa để người dân hiểu, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, đoàn Thái Bình cho biết: “Cử tri mong muốn cần sự công tâm, công bằng và cách tính các giá thành phải có căn cứ, có cơ sở và phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt phải tiết kiệm được các chi phí để không cộng vào giá thành cao lên. Muốn vậy thì tất cả các vấn đề phải được minh bạch đầu vào, đầu ra, chi phí phải rất rõ ràng.”

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Thị An, đoàn Hà Nội cho rằng: “Vì giá xăng dầu tăng hay giảm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, do vậy tôi đề nghị công khai thì được rồi, phải minh bạch giá đầu vào, đầu ra lỗ lãi ra làm sao.”

Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn: với đặc thù thị trường xăng dầu hiện do một vài doanh nghiệp đầu mối chi phối, thì việc lý giải của các cơ quan chức năng là giá xăng tăng do diễn biến thị trường thế giới liệu đã đủ sức thuyết phục hay chưa? Vì vậy người dân đang rất cần câu trả lời kịp thời, rõ ràng từ phía cơ quan chức năng, chỉ khi đó, quyết định điều hành tăng hay giảm giá xăng dầu mới dần được xem như bình thường.

Đại biểu Lê Như Tiến, đoàn Quảng Trị nêu ý kiến: “Bởi vì có tâm lý của người dân là mãi mới có 1 lần giảm giá mà giảm ở mức độ rất khiêm tốn và tăng thì tần suất lại dày quá. Đây là lần tăng giá thứ 3 từ đầu năm tới nay, cộng lại cũng tăng mấy chục phần trăm, đây chính là điều các đại biểu Quốc hội lo lắng.”./.