Những năm gần đây, Đà Nẵng được coi là một hiện tượng, một hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố này cũng bộc lộ những hạn chế biểu hiện trước mắt và tiềm ẩn những hệ lụy trong tương lai. Đó là việc đô thị phát triển nhanh trong khi chưa thực sự khai thác hết lợi thế từ điều kiện cảnh quan tự nhiên, xu hướng xây dựng dàn trải với kiến trúc thấp tầng khiến hiệu quả sử dụng đất còn thấp, dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn đất dự trữ. Nên phát triển nhà cao tầng hay không.

Đó là nội dung được bàn thảo tại Hội thảo “Không gian kiến trúc đô thị ven biển - Tầm nhìn và giải pháp” tổ chức sáng ngày 4/7 tại TP Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng trong cả nước.

Tại Hội thảo, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nêu kinh nghiệm của thành phố Newyork, Hoa Kỳ. Đây là đô thị có điều kiện địa lý giống với Đà Nẵng nhưng thành phố này đã dành toàn bộ mặt tiền biển và ven sông để quy hoạch các khu dân cư, công viên cây xanh và tiện ích công cộng. Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên không được phép đụng đến, không cho xây dựng.

Đối với những khu vực nguy cơ ảnh hưởng của bão thì không xây dựng nhà cao tầng. Khi nhà đầu tư có nhu cầu thì phải có được sự đồng thuận của dân cư, không tùy tiện theo đổi quy hoạch. Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng cho phép nhà đầu tư làm resort và xây dựng nhà cao tầng mặt tiền biển. Điều này khiến hiệu quả sử dụng đất thấp, chỉ mang lợi ích trước mắt.

da_nang_wfkb.jpg
Thành phố Đà Nẵng

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Đà Nẵng nên xây dựng đô thị đa bản sắc như đô thị sân bay, khu sinh thái, logictics. Theo đó, tùy theo bản sắc của mỗi khu đô thị mà có quy hoạch phù hợp. Những khu đô thị sân bay, khu sinh thái Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, khu trung tâm mới thì không được quy hoạch nhà cao tầng. Theo ông Sơn, thành phố Đà Nẵng chỉ nên xây dựng nhà cao tầng ở mặt tiền sông Hàn, trục Đông Tây, từ đường bao ra biển, tạo thành những đại lộ cao tầng, ven vịnh Đà Nẵng, sông Cu Đê… dễ giải quyết giao thông công cộng, giảm kẹt xe, hợp lý hóa quỹ đất xây dựng.

“Trong một quy hoạch mình phải làm rõ ràng khu nào được xây nhà cao tầng, khu nào không được xây cao tầng. Lúc đó mình sẽ thu hút nhà đầu tư vào xây, bởi lúc đó họ không thể muốn xây dựng ở đâu cũng được. Và xây dựng nhà cao tầng sẽ giúp hợp lý hóa quỹ đất xây dựng, làm cho hạ tầng đi song đôi với nó tạo được hiệu quả cao nhất. Nếu xây dựng nhà cao tầng phù hợp quy hoạch như vậy sẽ giúp sử dụng quỹ đất hiệu quả nhất, người dân được lợi nhiều nhất và ngân sách thu được nhiều nhất”, ông Ngô Viết Nam Sơn nói.

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng cho rằng, đối với những thành phố như Đà Nẵng thì việc xây dựng nhà cao tầng là tất yếu. Tuy nhiên, khi chấp nhận xây dựng nhà cao tầng thì yêu cầu về hạ tầng là rất lớn. Theo bà Phạm Thúy Loan cần phải quy hoạch tổng thể, thiết kế đô thị chi tiết, khi quy hoạch nên xây dựng nhà cao tầng theo cụm, có sự chuyển tiếp từ cao tầng đến thấp tầng và đảm bảo hài hòa với môi trường và các điều kiện nắng, gió.

“Với Đà Nẵng cũng nên tuần tự là sẽ phải có quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung. Chúng ta chờ đợi và sẽ góp ý cho đồ án đó. Trên nền quy hoạch đó chúng ta sẽ làm thiết kế đô thị, liên quan đến việc đặt nhà làm sao cho phù hợp với hướng gió, hướng nắng chuyển tiếp hài hòa giữa công trình rất cao cho đến những công trình thấp dần”, bà Loan cho hay.

Theo Kiến trúc sư Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng thì tại TP Đà Nẵng, khu vực ven biển có mật độ xây dựng tương đối cao, tập trung nhiều công trình quy mô, công trình trọng điểm và cao tầng theo các trục đường lớn. Hình thức công trình tiêu biểu trên toàn tuyến chưa có sự quản lý về kiến trúc tầng cao và khoảng lùi, gây tình trạng mặt đứng không đồng bộ, chưa tạo được hình ảnh đô thị, thiếu những không gian xanh kết nối. Xu hướng phát triển nhà cao tầng bám sát chiều dài mặt biển ngăn cản gió, nắng và tầm nhìn ra biển của các khu vực bên trong. Việc xây dựng nhà cao tầng ven biển với mật độ dày đặc gây tác động đến cảnh quan và hạ tầng đô thị.

Theo ông Phan Đức Hải, nguyên nhân là do việc xây dựng hạ tầng theo ý chí lãnh đạo, thúc đẩy tiến độ làm đường mà không có quy hoạch. Chủ trương đổi đất lấy hạ tầng dẫn đến mỗi doanh nghiệp thâu tóm 1 khu đất nên không được quy hoạch bài bản. Kiến trúc sư Phan Đức Hải cho rằng, việc phát triển không gian kiến trúc cao tầng ven biển Đà Nẵng cần bảo tồn và phát huy bản sắc đặc trưng của đô thị Đà Nẵng: biển - sông - núi; Phát triển kiến trúc hài hòa vối cảnh quan, địa hình tự nhiên, phát triển cảnh quan kiến trúc với mật độ cây xanh cao.

Quy hoạch đô thị ven biển cần được định hình lại và kiểm soát tốt hơn để tạo nên một không gian đô thị có bản sắc. Chuyển các trục ngang tiềm năng thành các tuyến đường dịch vụ thương mại sầm uất, hấp dẫn nối từ biển vào sâu đất liền, giúp mở thêm quỹ đất phía Tây trục ven biển, tăng giá trị đất; Tổ chức lại giao thông; Tổ chức lại cấu trúc đô thị ven biển với không gian cao tầng phối hợp với không gian thấp tầng xen kẽ không gian xanh mặt nước.

Theo kiến trúc sư Phan Đức Hải, cụm nhà cao tầng phải kết hợp với phát triển tương lai về giao thông công cộng, các công trình nhà cao tầng phải tạo nên hình dáng đô thị phù hợp: “Công trình cao tầng phải được thiết kế theo xu hướng hiện đại, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Nhưng nhà cao tầng phải kết nối với giao thông công cộng, giao thông tương lai, tạo thành khu đô thị hợp với đồi núi chứ không thể tạo những hình hộp như vậy được”./.