Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mới có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉ định thầu nhằm cấp bách triển khai gia cố, sửa chữa cầu Long Biên, tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn và không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những công trình liền kề trong khu vực.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và giao thông đô thị đến năm 2020, từ năm 2012, Bộ GTVT đã có kế hoạch bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu lập dự án khôi phục cầu Long Biên và phân kì đầu tư dự án thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 thực hiện việc gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2020; Giai đoạn 2 sẽ tiến hành khôi phục, cải tạo cầu Long Biên phục vụ đường bộ đô thị sau khi dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) hoàn thành và đưa vào khai thác.

longbien_11__copy_djzr.jpgCầu Long Biên xuống cấp nghiêm trọng uy hiếp an toàn chạy tàu và giao thông trên cầu.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, sau khi được sự đồng ý về mặt nguyên tắc của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã ủy quyền cho Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phê duyệt dự án khôi phục cầu Long Biên - Giai đoạn 1 để đảm bảo an toàn việc chạy tàu đường sắt đến năm 2020.

Thực hiện các ý kiến chỉ đạo, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khẩn trương tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án khôi phục cầu Long Biên - Giai đoạn 1 vào cuối tháng 7/2014 với tổng mức đầu tư 297.958 triệu đồng để thực hiện dự án và thời gian hoàn thành đến hết quý IV/2015.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu Tư vấn, xây lắp, bải hiểm, kiểm toán của dự án khôi phục cầu Long Biên – Giai đoạn 1. Đồng thời, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ GTVT về việc bố trí vốn ứng nguồn Ngân sách Nhà nước năm 2015 đế sớm có điều kiện triển khai dự án.

Theo ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Cầu Long Biên được xây dựng và đưa vào khai thác đến nay đã 112 năm, trải qua 2 cuộc chiến tranh phá hoại, nhiều nhịp cầu được thay bằng dầm tạm và nhiều trụ tạm đã bị han gỉ và xô lệch, đường bộ nhiều nhịp bị võng, xệ xuống cấp nghiêm trọng uy hiếp an toàn chạy tàu và giao thông trên cầu.

Trong các năm từ 1995 - 2010, Bộ GTVT đã phê duyệt 2 dự án gia cố và sửa chữa cầu Long Biên với tổng mức đầu tư lên tới 114 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 4 năm khai thác, tới nay cầu Long Biên chưa được đầu tư gì thêm ngoài kinh phí bảo trì hàng năm ít ỏi, do đó tình trạng hư hỏng ngày càng gia tăng và cầu Long Biên đang xuống cấp nghiêm trọng./.