So với giá cước tại Singapore, một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, giá cước taxi tại Hà Nội đang cao hơn từ 26,4% đến 60% và ở TP. Hồ Chí Minh cao hơn từ 66,7% đến 78,2%.
Đó là thông tin được ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam đưa ra tại buổi tọa đàm “Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng” vừa diễn ra chiều 8/9 tại TP HCM. Chương trình do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tổ chức.
Ông Thỏa dẫn nguồn từ trang http://www.numbeo.com/cost-of-living cho biết, giá cước taxi ở Việt Nam hiện đang cao hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực. Cụ thể, giá cước taxi trung bình ở Bangkok (Thái Lan) là 3.800 đồng/km (6 bath), Manila (Philippines) 5.700 đồng/km (11,93 peso), Jakarta (Indonesia) 6.300 đồng/km (4.000 rupiah), và thậm chí ở Singapore cũng chỉ 8.700đ/km (0,55S$).
“Như vậy so với giá cước tại Singapore, một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, thì giá cước taxi tại Hà Nội (dao động từ 11.000 đồng đến 13.900 đồng/km) đang cao hơn từ 26,4% đến 60% và ở TP HCM (từ 14.500 đến 15.500 đồng/km) đang cao hơn từ 66,7% đến 78,2%”, ông Thỏa nói.
Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa: Cước vận tải đang cao một cách bất hợp lý. |
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vinastas, người tiêu dùng Việt Nam đang phải chịu thiệt hại không nhỏ từ mức cước vận tải quá cao. Một trong nhiều yếu tố đưa đến sự thiệt hại này là việc DN không chịu giảm giá cước vận tải, mặc dù giá xăng dầu, yếu tố cấu thành quan trọng trong giá cước vận tải (chiếm tới 25% - 35%) đã giảm 5 lần liên tiếp (khoảng 16,3%) trong ba tháng vừa qua.
Từ thực tế trên, buổi tọa đàm đã tập trung phân tích nguyên nhân của tình trạng neo giá cước vận tải, đề xuất các biện pháp giúp giảm giá cước nhằm mục đích hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện các công cụ chính sách đảm bảo sự lành mạnh của thị trường. Theo ý kiến của các chuyên gia, bên cạnh các biện pháp hành chính đang thực hiện, như kê khai giá cước vận tải, Nhà nước cần có cách tiếp cận mang tính thị trường.
Bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Tổ chức Tín thác và Đoàn kết vì người tiêu dùng cho rằng, để thúc đẩy cạnh tranh, Việt Nam cần tạo ra một thị trường vận tải mở với sự tham gia của nhiều DN hay loại hình vận tải mới bởi kinh nghiệm quốc tế cho thấy, liều thuốc “cạnh tranh” mới là giải pháp triệt để nhằm giảm giá cước vận tải.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả của ngành vận tải là một xu hướng tất yếu và đang được Nhà nước hết sức khuyến khích phát triển. Vì vậy, gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ đề nghị cho phép triển khai Đề án thí điểm GrabCar.
“Tôi tin rằng, những phần mềm ứng dụng này sẽ giúp tăng hiệu quả trong điều hành và quản lý vận tải, giảm tỷ lệ xe rỗng chạy trên đường, qua đó, giảm được chi phí vận hành và cước phí cho người tiêu dùng”, ông Hùng nói./.