Chưa ghi nhận sự xáo trộn
Báo cáo cho biết, sau khi ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và Bamboo Airways bị bắt tạm giam để điều tra các sai phạm liên quan đến việc thao túng thị trường chứng khoán, Cục Hàng không Việt Nam đã xem xét, đánh giá tác động pháp lý, cơ cấu tổ chức hoạt động, nguồn lực, khả năng duy trì hoạt động và kế hoạch, định hướng phát triển của Bamboo Airways.
Cục Hàng không cho biết, theo giấy phép kinh doanh vận chuyển số 01/2021 do Bộ GTVT cấp, người đại diện theo pháp luật của Bamboo Airways là ông Đặng Tất Thắng - Tổng giám đốc. Bamboo Airways có vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng. Trong đó, FLC góp hơn 3.586 tỷ đồng, tương đương 51,24%. Ông Trịnh Văn Quyết nắm 30,34% vốn FLC, tương đương 1,088 nghìn tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết, góp hơn 2.802 tỷ đồng, tương đương 40,03%. Các cổ đông khác góp hơn 610 tỷ đồng, tương đương 8,73%.
Như vậy, tổng vốn góp của ông Quyết khoảng 3.890 tỷ đồng, tương đương 55,58% vốn Bamboo Airways. Phần vốn góp của cổ đông khác là 3.110 tỷ đồng (44,42%).
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, vốn chủ sở hữu hiện tại của Bamboo Airways nói chung và trong trường hợp tài sản của ông Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa vẫn đảm bảo đáp ứng điều kiện để duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định về vốn tối thiểu theo quy tại Nghị định 89 của Chính phủ (700 tỷ đồng).
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, Bamboo Airways hiện vẫn duy trì đảm bảo tổ chức bộ máy liên quan đến nhân sự chủ chốt (post holder) phụ trách hệ thống quản lý an toàn, an ninh, khai thác tàu bay, bảo dưỡng tàu bay, huấn luyện bay.
Nguồn lực người lái tàu bay, nhân viên kỹ thuật, tiếp viên hàng không, nhân viên điều độ khai thác bay và các nhân viên hàng không khác của Bamboo Airways đang được đảm bảo theo quy định.
“Vụ việc của Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways chưa ghi nhận sự xáo trộn, thay đổi có ảnh hưởng đến nguồn nhân lực hoạt động của Bamboo Airways”, ông Sơn cho biết.
Theo Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, hiện Bamboo Airways cam kết duy trì hoạt động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với hành khách, các hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ hàng không, hợp đồng thuê máy bay, hợp đồng liên quan đến khai thác bảo dưỡng tàu bay; đồng thời tiếp tục phát triển mở rộng đường bay, đội bay theo định hướng, kế hoạch.
Cục Hàng không Việt Nam cũng ghi nhận chưa nhận được bất kì văn bản nào của các chủ tàu bay yêu cầu thanh toán và dừng khai thác tàu bay cho Bamboo Airways thuê.
Bảo vệ tối đa quyền lợi của hành khách
Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, hiện vụ việc pháp lý liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết chưa có tác động, gây xáo trộn tâm lý với đội ngũ lãnh đạo, người lao động của Bamboo Airways. Các hoạt động của Bamboo Airways vẫn đang diễn ra bình thường.
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, các chỉ số thực hiện phép bay (slot), tỷ lệ chuyến bay đúng giờ (OTP) vẫn đang duy trì ở mức cao, tỷ lệ chậm hủy chuyến thấp, các chỉ số về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không duy trì ở mức tốt.
Tuy nhiên, để đánh giá chính xác các tác động và duy trì mục tiêu đảm bảo an toàn của Bamboo Airways, cũng như bảo vệ tối đa quyền lợi của cộng đồng hành khách và các đơn vị cung cấp dịch vụ cho Bamboo Airways, Cục Hàng không VN sẽ tiếp tục chủ động theo dõi, lập danh mục các hạng mục công việc bảo dưỡng, khai thác và kế hoạch huấn luyện của Bamboo Airways trong 6 tháng tới, kết hợp với thực hiện chương trình kiểm tra an toàn hàng năm (MARI) của Quý II và Quý III năm 2022 để đánh giá năng lực tài chính đảm bảo các hoạt động bảo dưỡng, khai thác tàu bay tuân thủ các quy định về an toàn hàng không.
“Các nội dung theo dõi, giám sát tập trung vào công tác bảo dưỡng tàu bay, bảo dưỡng theo hợp đồng, quản lý đảm bảo vật tư, khí tài duy trì đủ điều kiện bay của tàu bay; việc tổ chức thực hiện công tác huấn luyện nhân viên hàng không có liên quan trực tiếp đến an toàn bay như: người lái tàu bay, tiếp viên hàng không và nhân viên bảo dưỡng tàu bay; việc duy trì cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khai thác bảo dưỡng tàu bay”, văn bản do Phó Cục trưởng Đinh Việt Sơn ký nêu.
Cùng đó, Cục Hàng không Việt Nam sẽ theo dõi, giám sát chặt biến động nhân sự, công tác đảm bảo nguồn lực, đảm bảo các điều kiện cần thiết để nhân viên hàng không của Bamboo Airways thực hiện tốt khai thác, bảo dưỡng và đảm bảo an toàn bay.
Đồng thời, theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ, quyền lợi hành khách, tỷ lệ sử dụng phép bay (slot), tỷ lệ đúng giờ (OTP), tỷ lệ chậm hủy chuyển và sản lượng vận chuyển hàng không để đánh giá tình trạng sức khỏe tài chính, năng lực khai thác vận tải hàng không của hãng.
Cục Hàng không Việt Nam cũng theo dõi khả năng thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa Bamboo Airways và các đơn vị cung cấp dịch vụ khai thác, bảo dưỡng, xăng dầu, vật tư khí tài, khai thác mặt đất, chất lượng dịch vụ, sân bay để có báo cáo và phản ứng kịp thời.
Bamboo Airways chính thức hoạt động từ ngày 16/1/2019, cho đến nay đang khai thác 29 máy bay (thuê khô) bao gồm 3 máy bay B787, 8 máy bay A321, 12 máy bay A320, 1 máy bay A319 và 5 máy bay Embraer E190 có tuổi trung bình 8 năm.
Trong lịch bay mùa hè 2022, Bamboo Airways đã được cấp phép khai thác 38 đường bay nội địa chở khách đến toàn bộ 22 cảng hàng không của Việt Nam và 7 đường bay quốc tế chở khách đến London (Anh), Frankfurt (Đức), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Sydney và Melbourne (Australia); 1 đường bay quốc tế chở hàng đến Seoul (Hàn Quốc)./.