Ngày 2/2, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.

Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 là thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay.

Dự kiến sẽ có 5 nghị định hướng dẫn thi hành luật, tuy nhiên, đến nay, một số nghị định đang trong giai đoạn xây dựng dự thảo. Riêng nghị định về đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật đầu tư công đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng để trình Chính phủ vào tháng 3/2015.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nguồn vốn phân bổ trong 5 năm tới phải tuân theo trình tự theo 5 ưu tiên như sau: Ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án hợp tác công tư (PPP); Vốn đối ứng cho các dự án vốn ODA; Trả nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (từ 1/1/2015 sẽ không bố trí vốn kể cả vốn Trung ương và địa phương phát sinh nợ xây dựng cơ bản); Vốn cho những công trình chuyển tiếp, dang dở. Thứ năm, cân nhắc, xem xét các công trình khởi công mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thực hiện các quy định của Luật đầu tư công, các bộ, ban, ngành địa phương cần lập kế hoạch trung hạn trong 5 năm chứ không phải 1 năm như trước đây. Nghiên cứu chủ trương đầu tư cho kỹ trước khi ra quyết định đầu tư bảo đảm đúng quy trình, và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật dù đó là ở cấp nào.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “Trước đây, theo Quyết định 60 là hỗ trợ theo phân chia giữa Trung ương, địa phương, hiện nay chúng tôi đưa ra 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, giữ nguyên như cũ. Thứ 2, tất cả các nguồn vốn vẫn không thay đổi, tất cả tổng vốn 5 năm là như nhau, nhưng phải phân rạch ròi giữa Trung ương và địa phương. Chúng ra làm rõ ràng, minh bạch sẽ hạn chế tiêu cực./.