Đây là cây cầu có quy mô lớn và điều kiện thi công hết sức phức tạp, do đó các đơn vị tham gia thi công công trình đều là những nhà đầu tư, nhà thầu mạnh về tiềm lực tài chính cũng như kỹ thuật.

Theo đó, sau hơn 8 tháng thi công, dự án thành phần 1 – tức phần cầu chính, đối với phần vốn BOT tiến độ đạt trên 33% kế hoạch.

Theo thiết kế ban đầu, công trình có kết cấu dây văng nhưng vì kinh phí quá lớn, khó thực hiện nên bị trì hoãn hơn 2 năm so với dự kiến.

caucochien.jpg
Công nhân đang thi công cầu Cổ Chiên

Nhằm giải quyết bài toán về vốn, cầu được điều chỉnh sang kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực. Theo đó, tổng mức vốn đầu tư giảm còn 2.300 tỷ đồng, tức giảm gần 700 tỷ đồng so với ban đầu và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện theo phương thức BOT với cơ chế đặc biệt. Trong đó, ngân sách Nhà nước chiếm trên 45%, tức cao hơn qui định. Tuy vậy, đến nay dự án lại tiếp tục khó khăn về vốn làm cho phần thực hiện của vốn ngân sách Nhà nước chỉ đạt trên 17%, chậm so với kế hoạch.

Riêng dự án thành phần 2 – tức các cầu, đường dẫn đều đạt kế hoạch nhưng mới giải ngân được 82% vốn, khiến các nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Trước những khó khăn này, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Trà Vinh mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị địa phương có kế hoạch hỗ trợ, tạm ứng một phần kinh phí xây dựng và sau khi Bộ Giao thông Vận tải cân đối được nguồn kinh phí sẽ hoàn trả lại cho địa phương; đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công tiếp tục đẩy mạnh thi công để đảm bảo công trình hoàn thành vào cuối tháng 7 năm tới.

Cầu Cổ Chiên nằm trên Quốc lộ 60 nối liền tỉnh Trà Vinh và Bến Tre, có tổng chiều dài trên 15 km, trong đó phần cầu chính dài 1,6 km, rộng 16m với 4 làn xe. Đây là dự án quan trọng trong chiến lược phát triển tuyến hành lang ven biển và an ninh quốc phòng khu vực ĐBSCL. Sau khi hoàn thành, không chỉ giúp giảm áp lực xe lưu thông trên Quốc lộ 1A qua TP Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận mà còn rút ngắn hành trình 70 km từ TP HCM đến Trà Vinh, Sóc Trăng./.