Đây là hội thảo nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý để thúc đẩy liên kết vùng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.

Vùng ĐBSCL hiện có 174 đô thị gồm: 1 đô thị trực thuộc trung ương, 2 đô thị loại I thuộc tỉnh, 12 đô thị loại II, 9 đô thị loại III, 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 31,16%, tăng 4,6% so với năm 2015. Khu vực đô thị có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại và có bản sắc. Các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng thế giới, các tổ chức quốc tế khác về nâng cấp đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải được triển khai thực hiện có hiệu quả, đều phát huy những kết quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương trong vùng.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác triển khai Quy hoạch xây dựng đô thị vùng ĐBSCL vẫn còn chậm và gặp nhiều nhiều bất cập như: tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của vùng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng còn yếu và thiếu đồng bộ; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển, tỷ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu…

“Năm 2019 và năm 2020, biến đổi khí hậu đang thể hiện rõ những tác động hết sức sâu sắc đến đời sống xã hội, không chỉ của vùng ĐBSCL mà trên cả thế giới. Đặc biệt với những diễn biến hết sức mới, khó lường từ kinh tế, xã hội đến tự nhiên, cuộc sống của chúng ta nhanh chóng phơi bày một sự thật là dễ bị tác động”, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và giải quyết các thách thức nêu trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL, các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà quản lý tập trung thực hiện: các vấn đề về chính sách trong quản lý phát triển hệ thống đô thị và nông thôn vùng ĐBSCL đảm bảo yêu cầu về kiểm soát quản lý đô thị và nông thôn phù hợp với các định hướng, chính sách phát triển đất nước vùng ĐBSCL; vấn đề hỗ trợ tài chính cũng như việc huy động nguồn lực thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn vùng ĐBSCL đặc biệt là những dự án phát triển đô thị trọng điểm, các khu vực nông thôn trọng điểm, hạ tầng trọng yếu như đường cao tốc, cảng biển.

“Định hướng hình thành bộ khung xác định mô hình phát triển, hình thái phát triển của hệ thống đô thị và nông thôn của vùng ĐBSCL; tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn của vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới, đảm bảo hình thành làm cơ sở, làm nền tảng cho phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đảm bảo thúc đẩy liên kết vùng kết nối đồng bộ, hữu cơ giữa đô thị và nông thôn trong vùng”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu ý kiến./.