Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hồi tháng 2/2014, mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong 2 năm 2014-2015 tiếp tục được khẳng định. Việc hoàn thành mục tiêu này thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong cải cách doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng cũng được cho là có nhiều thách thức trong bối cảnh hiện nay.

Khó đạt mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: Việt Nam đã nêu mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp, nhưng kết quả thực hiện đến thời điểm này còn xa vời. Nguyên nhân chính, theo ông Vũ Mão, do Quốc hội chưa có nghị quyết chuyên đề hay luật riêng về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Những quy định về cổ phần hóa mới chỉ xuất hiện đan xen đâu đó, nên nó chưa đúng tầm.

cphdn_ymtp.jpgCổ phần hóa DNNN diễn ra chậm, khó đạt mục tiêu đề ra (Ảnh minh họa: KT)

Nói về triển vọng tiến trình cổ phần hóa so với mục tiêu đề ra, ông Vũ Mão thẳng thắn: “Kế hoạch cổ phần hóa số doanh nghiệp này tính đến hết 2015 sẽ không thực hiện được”.

Do đó, quan điểm của ông Vũ Mão là Quốc hội cần nghiên cứu để ban hành luật riêng về cổ phần hóa doanh nghiệp, trong đó phải thể hiện rõ tiến trình thực hiện, thủ tục thực hiện như thế nào. Nếu không, theo ông Vũ Mão “ít nhất cũng phải có một nghị quyết của Quốc hội về vấn đề cổ phần hóa”.

Cùng với đó, ông Vũ Mão chỉ ra một thực tế đáng buồn và tác động đến hiệu quả của nền kinh tế, trong đó có cổ phần hóa doanh nghiệp. Đó là tình trạng hệ thống pháp luật của ta có chất lượng chưa cao. Biểu hiện là có luật ban hành ra phải mất nhiều thời gian chờ có nghị định, thông tư mới có thể đi vào cuộc sống. Thực tế, đỗ trễ chính sách trong trường hợp này, ông Vũ Mão cho là “chậm ít nhất 1 đến 5 năm thì luật mới đi vào cuộc sống được”.

Trong tương lai, ông Vũ Mão đề nghị, trong công tác ban hành luật, từ khi trình dự thảo luật phải đồng thời trình kèm nghị định để Quốc hội xem xét thông qua. Nhờ đó, khi luật có hiệu lực thi hành là lập tức có thể áp dụng vào trong thực tiễn cuộc sống.

Tham luận liên quan đến vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của TS Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương) đề cập: các biện pháp cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đã được triển khai trong gần 30 năm qua. Trong đó, cổ phần hóa được coi là hướng đi chính, là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa chi phối đối với quá trình cải cách DNNN.

Phân tích rõ hơn, TS Cường cho biết, cổ phần hóa là chuyển đổi sở hữu từ nhà nước sang sở hữu khác - chủ yếu là sở hữu của tư nhân trong nước và sở hữu nước ngoài. Vì vậy, cổ phần hóa là vấn đề nhạy cảm. Do đó, quá trình cổ phần hóa DNNN ở Việt Nam diễn ra rất thận trọng, cũng vì vậy, diễn ra rất chậm.

Tác động tích cực của cổ phần hóa, theo ông Cường, là thu hẹp ảnh hưởng của khu vực DNNN; phân bổ lại nguồn lực của nền kinh tế; chuyển dịch một số nguồn lực từ khu vực DNNN, như tài chính, tín dụng, nhân lực, đất đai… sang khu vực DN tư nhân trong nước và khu vực DN FDI để sử dụng có hiệu suất, hiệu quả hơn. Thông qua đó tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia của 2 khu vực kinh tế tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế đất nước.  

“Buông nhỏ, giữ lớn”

Việc cổ phần hóa chậm, chưa đúng với lộ trình, chưa bảo đảm tiến độ, còn nhiều đối tượng doanh nghiệp quy mô lớn chưa cổ phần hóa, theo TS Cường, do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó đáng chú ý là: Cổ phần hóa trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi; đối tượng cổ phần hóa gần đây và sắp tới là những doanh nghiệp quy mô lớn cổ phần hóa phức tạp hơn, cần nhiều thời gian hơn cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu đi liền với cổ phần hóa.

Cho đến nay, TS Cường cho biết, “cổ phần hóa chủ yếu tiến hành đối với các DNNN quy mô nhỏ. Cổ phần hóa những doanh nghiệp này trước là theo phương châm “buông nhỏ, giữ lớn”, đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN quy mô nhỏ trước để giảm mạnh số lượng DNNN. Việc cổ phần hóa các DNNN quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty khó tiến hành hơn vì có nhiều vấn đề hơn DNNN nhỏ. Doanh nghiệp lớn buộc phải tái cơ cấu lại trước khi cổ phần hóa”.

Một lý do nữa, theo TS Cường, chậm cổ phần hóa một phần gắn với nhân sự lãnh đạo quản lý của doanh nghiệp, chủ yếu là người đứng đầu doanh nghiệp, vì họ là những người có tiếng nói có ảnh hưởng lớn có tính quyết định đến quyết tâm cổ phần hóa hay làm chậm quá trình cổ phần hóa.

Đặc biệt, bài toán lợi ích “được-mất” giữa chưa cổ phần hóa và cổ phần hóa, thời điểm tiến hành cổ phần hóa đối với doanh nghiệp và đối với cá nhân của những người đứng đầu, người lãnh đạo, quản lý DN. Đây là một lý do làm chậm quá trình cổ phần hóa. Lý do này, theo TS Cường, “không mới và không chỉ ở nước ta. Có thể lấy hiện tượng “hội chứng 59” ở Trung Quốc làm ví dụ. Đó là trước 59 tuổi thì lãnh đạo DNNN tìm cách trì hoãn, không chịu cải cách, cổ phần hóa vì sợ ảnh hưởng quyền lợi, lợi ích của họ. Khi sang tuổi 59 chuẩn bị nghỉ hưu thì họ tỏ ra sẵn sàng tiến hành”./.