Tỷ phú người Việt - Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup vừa lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới được tạp chí Forbes danh tiếng của Mỹ công bố hôm 4/3.
Ông Phạm Nhật Vượng, 44 tuổi, xếp thứ 974 trong danh sách những tỉ phú giàu nhất thế giới tháng 3/2013 của Forbes, với tổng tài sản ròng 1,5 tỷ USD. Tạp chí này cho rằng, đây là một thành tựu to lớn của Việt Nam sau 27 năm thực hiện chính sách “đổi mới” mở cửa kinh tế.
Theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng là người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách các tỷ phú thế giới của tạp chí này từ trước đến nay nhờ sở hữu 53% cổ phần của Vingroup. Bloomberg cũng cho biết, hiện Vingroup nắm cổ phần kiểm soát 19 dự án khu nghỉ dưỡng và khu dịch vụ phức hợp ở cả Hà Nội, TP HCM, Hưng Yên và Đà Nẵng.
Dự án tổ hợp Times City Vingroup. (Ảnh: Vietstock) |
Tập đoàn Vingroup đã bán khoảng 7.000 - 8.000 căn hộ tính đến cuối 2010, đầu 2011. Ngoài ra, cũng chính việc nắm giữ cổ phiếu Vingroup khiến ông Vượng là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam 3 năm 2010, 2011 và 2012.
Tập đoàn đangg sở hữu khoảng 10.200 ha đất ở các vị trí đắt giá ở Hà Nội, TP HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng. Việc mua đất ở các vị trí như thế này giúp Vingroup có thể kinh doanh bất động sản ở phân khúc hạng sang ngay trong cả thời kỳ suy giảm kinh tế, chuyên gia phân tích tại Viet Capital Securities nhận định.
Về tiềm năng thị trường bất động sản Việt Nam, theo World Bank, dân số thành thị Việt Nam tăng trưởng 3,4%/năm, trong đó tăng trưởng nhanh nhất ở Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, hiện chỉ 5% dân số 2 thành phố lớn này có thể đủ mạnh về tài chính để mua căn hộ của các nhà kinh doanh bất động sản lớn.
Theo học ngành kinh tế địa chất thuộc Đại học Địa chất Moscow tại Nga. Sau khi tốt nghiệp, ông Vượng chuyển tới Ukraine, thành lập nên công ty thực phẩm LLC Technocom.
Công ty này sản xuất hơn 100 sản phẩm khác nhau, từ mỳ ăn liền tới khoai tây nghiền. Số tiền Vượng thu được qua kinh doanh tổng cộng lên tới cả tỷ USD. Khi thành lập Tập đoàn kinh tế Technocom, trở thành Tập đoàn giữ vị trí số một trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm ăn nhanh tại Ukraine và xuất khẩu cho 29 quốc gia trên thế giới.
Trở về Việt Nam từ đầu những năm 2000, ông Phạm Nhật Vượng vừa là sáng lập viên, vừa là thành viên Hội đồng quản trị Vinpearl Land (VPL) và Công ty cổ phần Vincom (VIC). Tháng 8/2009, Đại hội đầu tiên của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã được tổ chức tại Hà Nội, ông Phạm Nhật Vượng đã được Đại hội tín nhiệm bầu là chủ tịch Hiệp hội cùng 8 phó chủ tịch khác.
Tháng 9/2009, Tập đoàn TECHNOCOM đổi tên thành Tập đoàn Vingroup (tên đầy đủ là: Tập đoàn Đầu tư Việt Nam), chuyển trụ sở từ Kharkov (Ucraine) về Hà Nội. Cuối tháng 11/2008, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIC, ông Lê Khắc Hiệp, một thành viên khác của Vincom đã trao toàn bộ lượng cổ phiếu đang nắm giữ cho ông Vượng, tạo nên vụ tặng cổ phiếu đình đám trong giới chứng khoán.
Năm 2006, ông Vượng đã bán tháp A Vincom tại 191 Bà Triệu (Hà Nội) cho ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV). Cuối năm 2011, ông lại bán tháp B Vincom cho ngân hàng cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và chuyển toàn bộ trụ sở văn phòng Tập đoàn và các đơn vị thành viên tại Hà Nội về Khu đô thị sinh thái Vincom Village tại Sài Đồng - quận Long Biên.
Tính tới hết ngày 22/1/2013, ông Vượng sở hữu 30,67% vốn, tương đương giá trị vốn hóa thị trường hơn 19.350 tỷ đồng (tính theo giá đóng cửa cổ phiếu VIC ngày 4/3/2013).
Theo nhận định của Bloomberg, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ còn giàu có hơn nữa khi bán căn hộ cao cấp và tầm trung cho người châu Á muốn ngừng giữ vàng và tiền mặt để đổ vào bất động sản.
Trang tin Bloomberg cũng dẫn lời ông Phạm Nhật Vượng cho biết, người dân vẫn nắm giữ nhiều vàng nhưng họ không thể găm giữ mãi được và cuối cùng buộc phải bỏ ra đầu tư. “Khi đó, thị trường bất động sản sẽ bùng nổ” - ông Vượng nhận định.
Ông Vượng cũng cho biết ý định kinh doanh bất động sản ở Singapore hay Hong Kong - nơi có một số công ty kinh doanh bất động sản lớn nhất châu Á./.