Ngày 1/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc với việc hai bên ra Tuyên bố chung. Hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước trong thời gian tới là một trong những nội dung được các chuyên gia kinh tế nước này hết sức quan tâm sau chuyến thăm.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan trọng với cả hai nước, bởi đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một lãnh đạo nước ngoài tới Trung Quốc sau Đại hội XX. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên mà các nghi thức ngoại giao cao nhất đối với lãnh đạo nước ngoài đã được Trung Quốc tiến hành đầy đủ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát sau gần 3 năm qua.
Ông Hứa Ninh Ninh, Chủ tịch điều hành Hội đồng Thương mại Trung Quốc- ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Công nghiệp RCEP cho rằng, ngoại giao giữa các quốc gia rất xem trọng “lần đầu tiên”, do vậy chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phản ánh đầy đủ mối quan hệ giữa hai nước cũng như giá trị của mối quan hệ này.
Theo Tuyên bố chung của chuyến thăm, bên cạnh việc nhất trí tiếp tục duy trì và tăng cường truyền thống tốt đẹp giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, hai bên cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát huy ưu thế gần gũi về địa lý và bổ sung lẫn nhau về ngành nghề, tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả hơn nữa trên các lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại và đầu tư.
Theo ông Hứa Ninh Ninh, sau chuyến thăm quan trọng này, hai nước cần nắm bắt những cơ hội mới về mở cửa thị trường do Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mang lại, bởi những năm qua, sự phát triển quan hệ kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ việc mở cửa của cả hai nước.
Trong khi đó, việc thực thi RCEP đang đem lại những hiệu quả thiết thực trong việc hình thành nên chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp mới. “Trung Quốc và Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để thiết lập chuỗi công nghiệp bổ sung lợi thế cho nhau, lấy hợp tác công nghiệp thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp cơ cấu công nghiệp.”
Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc đã gửi đi những tín hiệu về sự ổn định chính trị, xã hội trong nước. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ cải cách mở cửa hơn nữa và mở cửa chất lượng cao trong thời gian tới.
Theo ông Lý Cương, Tổng biên tập mạng Thương hiệu Quốc gia Trung Quốc, đây sẽ là tiền đề cho kinh tế nước này phát triển ổn định trong dài hạn. Là thị trường tiêu thụ lớn nhất toàn cầu, Trung Quốc sẽ đem lại cơ hội và lợi ích cho thương mại quốc tế, cho khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đặc biệt sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Với Việt Nam, do chúng ta có mối quan hệ đặc thù, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ ổn định hơn và triển vọng tốt đẹp hơn.”
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lưu Thụy, giáo sư Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn: “Việt Nam hiện là quốc gia có sức sống nhất, tiềm năng thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á. Việt Nam cũng là nền kinh tế phát triển nhanh trong số các nước đang phát triển. Trong bối cảnh đó, hai nước sẽ có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế.”
Là người đã có khoảng 30 năm làm việc trong lĩnh vực thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN, ông Hứa Ninh Ninh đã từng đến Việt Nam rất nhiều lần. Ông đặc biệt ấn tượng với tốc độ tăng trưởng cao mà Việt Nam đạt được trong năm nay, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Ông gọi Việt Nam là “hình mẫu thành công của quốc tế cũng như khu vực” về phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với ông là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. “Chúng tôi tin rằng, chuyến thăm này sẽ đem đến những tác động to lớn mang ý nghĩa cột mốc đối với hai nước”./.