Khi thế giới đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng 4.0 nhằm kiến tạo xã hội số, tại Việt Nam, dự thảo Đề án Chuyển số Quốc gia đã đưa ra 3 giai đoạn chuyển đổi số nhằm hướng tới chuyển đổi số toàn diện, với nền kinh tế, xã hội vận hành dựa trên công nghệ số và đổi mới và sáng tạo.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp (DN), câu chuyện chuyển đổi số ở Việt Nam cần xác định được mục tiêu cùng cách nhìn toàn diện, chân thực nhất, từ đó mới nhận diện được những trở ngại, thách thức, đề xuất những giải pháp và sáng kiến đổi mới, sáng tạo nhằm thúc đẩy quá trình này.
80% DN chuyển đổi số thất bại
Ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn CMC nhận định, quá trình chuyển đổi số ở DN phụ thuộc trước hết là ở chính nội tại mỗi DN. Đây là một bước chuyển đổi rất dài của mỗi DN, nhưng quá trình này hoàn toàn không nằm ở công nghệ mà con người mới chính là yếu tố quyết định
Các CEO chia sẻ về tiến trình chuyển đổi số tại DN. |
Thực tế theo ông Thành, trước đây Việt Nam vẫn rất tự hào là quốc gia có nhiều lập trình viên giỏi, nhưng khi các DN chuyển đổi mô hình hoạt động, mô hình kinh doanh đã phát hiện ra rất thiếu một lớp trí thức mới. Đó là lớp trí thức có tư duy hoạt động mới, tự động hóa mà DN gọi chung là văn hóa số.
“Chuyển đổi số là một thách thức rất lớn cho mỗi DN, bởi mỗi DN đều đang theo đuổi công việc hiện tại, trong khi chuyển đổi số lại bao gồm nhiều hình thức hoàn toàn mới. Khi đó, DN sẽ phải đầu tư đào tạo nguồn lực mới mà chính xác là làm thay đổi nhận thức mới cho những con người đang hoạt động trong một lĩnh vực cũ”, ông Thành cho biết.
Cùng đề cao yếu tố con người trong quá trình chuyển đổi số, ông Vũ Minh Trí, Phó Chủ tịch Công ty CP VinaGame (VNG) cho rằng, chuyển đổi số là vấn đề bức bách hiện nay của mỗi DN. Trong đó, mỗi nhân sự đều phải hiểu được công việc cũng như chức năng của mình; tìm hiểu được các cơ hội bên ngoài để khi ráp những yếu tố này lại với nhau, mỗi cá nhân đều có thể trả lời được câu hỏi: DN muốn chuyển đổi số cần phải có hành động gì?
Theo ông Trí, câu chuyện chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào con người. Thời gian qua cũng đã có rất nhiều DN tiến hành chuyển đổi số nhưng hầu như họ đã thất bại, Ở đâu đó có những DN chuyển đổi số thành công với cái tên rất hào nhoáng như Uber, Grab…, nhưng nếu nhìn vào số liệu thống kê cho thấy, có hơn 80% DN chuyển đổi số thất bại.
“DN chuyển đổi số thất bại vì hai lý do chính: Thứ nhất do lãnh đạo DN còn lưỡng lự trong chuyển đổi số, khi họ đang cảm giác quá an toàn với ý nghĩ mô hình kinh doanh của DN họ sẽ không cần chuyển đổi số. Thứ hai là suy nghĩ muốn chuyển đổi mọi thứ qua số nhưng không biết làm gì với đống số đó, trong khi vẫn phải trả tiền cho nó”, ông Trí chỉ rõ.
Do đó theo ông Trí, DN muốn chuyển đổi số thì điều quan trọng là mô hình kinh doanh số phải rõ ràng, bởi chỉ khi DN có mô hình kinh doanh số mới đề ra được chiến lược kinh doamh. Khi có hiệu quả kinh doanh tốt, lại lấy hiệu quả kinh doanh để trả tiền cho quá trình chuyển đổi số đó, như thế DN mới thực sự bền vững. Những yếu tố kể trên đều liên quan đến yếu tố con người”, ông Trí nói.
Doanh nghiệp truyền thống có nguy cơ lớn
Nhận rõ yếu tố sống còn của việc chuyển đổi số tại các DN truyền thống, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech chỉ ra, DN truyền thống chính là đối tượng chính của chuyển đổi số, tuy nhiên hiện nay, đa phần các DN loại này cách nhìn của họ rất đơn giản và hầu hết không hiểu chuyển đổi số là làm gì, lãnh đạo DN vẫn rất mông lung.
Bởi từ cách đây 1 Thập kỷ, quá trình chuyến đổi số đã bắt đầu diễn ra tại Việt Nam, khi người ta vẫn gọi chung là điện tử hóa doanh nghiệp. Đặc biệt trong 2 năm vừa qua, khi cả nước dồn dập tuyên truyền về Cách mạng công nghiệp 4.0, về sự nguy hiểm dẫn đến khả năng DN bị đào thải nếu không có ứng dụng công nghệ thông tin sâu sắc thì nhận thức của thị trường, của DN đã thay đổi.
Chính vì thế theo giải thích rất đơn giản của ông Bình, bản chất của chuyển đổi số hiện nay hoàn toàn không có gì mới, đó chỉ là một quá trình tiếp theo của một tiến trình đã và đang diễn ra hàng nghìn năm nay. Thực chất, đó chỉ là cách truyền tin của mỗi DN, DN nào có thông tin nhanh hơn, hiệu quả hơn để có dữ liệu cho các lãnh đạo DN đưa ra các quyết sách chính xác, quyết đoán thì DN đó sẽ dễ dàng giành chiến thắng trên thương trường.
“Hiện nay chuyển đổi số là tất cả thông tin, cơ sở dữ liệu thông qua các phần mềm và dữ liệu mang tính quyết định chiến lược cao hơn cho các chủ DN. DN vẫn thường bị “hù dọa” là: “chuyển đổi số hay là chết?” nhưng chắc chắn DN sẽ chết vì hiện nay, theo phân tích có khoảng 20 loại hình DN cũng như các ngành nghề có thể bị quá trình chuyển đổi số tiêu diệt. Các ngành bị tác động lớn từ vận tải cho đến y khoa hay lĩnh vực bán lẻ,… đều nhìn thấy bóng dáng của DN công nghệ thông tin đang dần chiến thắng các DN truyền thống”, ông Bình chỉ rõ.
Chỉ rõ việc chuyển đổi số Quốc gia luôn bắt đầu từ con người và con người chắc chắn phải thay đổi từ tư duy nhận thức cho đến mục tiêu hành động. Mặc dù trong 10 năm qua, việc chuyển đổi số tại Việt Nam ít nhiều đã có những tiến bộ vượt bậc, song ông Bình vẫn hay nhắc đến hình tượng “luộc con ếch” để ám chỉ những chủ thể, những DN chậm chuyển đổi số.
Lấy ví dụ ngay cả lĩnh vực cảnh sát giao thông tương lai cũng có thể bị chuyển đổi số tiêu diệt khi có camera giao thông thông minh; ngay đến cả ngành nghề luật sư, bác sĩ đều cũng có thể bị công nghệ làm thay đổi. “Do đó, thay đổi nhận thức của chủ các DN truyền thống là cực kì quan trọng, khi họ còn chưa cập nhật được các sản phẩm của công nghệ số, họ rất dễ bị các DN công nghệ đánh bại ngay trên lĩnh vực họ đang hoạt động”, ông Bình khuyến cáo./.
Chậm chuyển đổi số tạo nên khoảng cách giữa các quốc gia