Hàng chục năm qua, ngư dân Lê Đình Trung, ở thôn Tân An, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi gắn bó với nghề giã cào. Có năm, đôi tàu giã cào cao tốc của gia đình ông thu về tiền tỷ. Tích góp được đôi ba tỷ đồng, ông Trung vay thêm 4 tỷ đồng để đóng mới 2 chiếc tàu giã cào lớn hơn, mỗi tàu 750 mã lực với số tiền lên đến 7,5 tỷ đồng. 3 năm trước, làm ăn thua lỗ, đôi tàu của ông liên tục nằm bờ, nợ nần bủa vây, chồng chất. Đầu năm nay, ông làm đơn xin chuyển sang nghề câu và đánh bắt lồng sâm. 4 chuyến biển đầu tiên sau khi chuyển nghề dù chưa có lãi nhiều, nhưng ông Trung vẫn hy vọng những chuyến biển sau sẽ đánh bắt hiệu quả hơn.

“Nghề giã cào 3 năm nay kiệt quệ, thứ nhất không đủ lao động, thứ 2 dầu quá cao không đủ chi phí nên thâm nợ. Giờ chuyển qua nghề câu, trước mắt được hỗ trợ dầu thì có cái chạy ra chạy vô, thứ 2 là làm nghề này ít lao động để cho chủ ghe anh em cũng dễ làm”, ông Lê Đình Trung nói.

gia_cao11_munz.jpg
Ngư dân Lê Đình Trung ở thôn Tân An, xã Nghĩa An.

Cũng như ông Lê Đình Trung, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ninh ở thôn Tân An, xã Nghĩa An cũng vừa làm đơn xin chuyển từ nghề giã cào sang nghề câu. 2 chiếc tàu, một chiếc 1.100 mã lực và 1 chiếc 900 mã mực làm nghề giã cào trước đây giờ cải hoán để chuyển sang nghề mới. Chị Ninh tính toán, chuyển qua nghề câu, cái lợi thứ nhất là được Nhà nước hỗ trợ tiền dầu mỗi đợt ra khơi là 100 triệu đồng; thứ 2 là nghề này chỉ cần một nửa số lao động so với nghề giã cào nên chủ tàu sẽ dễ xoay xở hơn trong khi nghề biển đang thiếu lao động trầm trọng như hiện nay:

“Làm lỗ miết, giờ neo bờ nên phải chuyển nghề làm kiếm tiền để trả nợ chứ bán tàu giờ họ cũng không mua”, chị Ninh cho biết.

Nhiều tàu đánh bắt giã cào của ngư dân đóng dở dang nay phải nằm bờ.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 1.500 chiếc tàu đánh bắt giã cào, tập trung ở xã Nghĩa An, Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi và xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. 3 năm qua, ngư dân không đóng mới phương tiện giã cào. Hiện nay các địa phương ven biển cũng đã tuyên truyền và khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề, thay vì phải để tàu nằm bờ như trước.

Bà Võ Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi cho biết: “Xưa nay một số ngư dân cũng muốn chuyển đổi ngành nghề thì chúng tôi cũng vận động bà con chuyển đổi ngành nghề”.

Giảm khai thác thủy sản ven bờ, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ là mục tiêu của tái cơ cấu ngành thủy sản. Để thực hiện điều này, tỉnh Quảng Ngãi đã cấm phát triển nghề lưới kéo dưới mọi hình thức, hạn chế phát triển nghề lặn, khuyến khích ngư dân chuyển từ nghề giã cào qua nghề mới khai thác xa bờ như lưới rê, nghề câu để nâng cao thu nhập./.