Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 3/3, nhiều câu hỏi do phóng viên báo chí đặt ra liên quan đến kết quả kiểm tra những vi phạm trong niêm yết và kê khai giá sữa; việc xác minh xem các doanh nghiệp sữa lớn có thỏa thuận ngầm bắt tay làm giá hay không.v.v...

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, các quy định về luật pháp cũng như các quy định của chính phủ về quản lý giá sữa sẽ được liên bộ Tài chính - Công Thương tổ chức họp bàn vào ngày mai (4/3).

Khi đó, liên bộ sẽ làm rõ hơn những vấn đề về giá như: Các doanh nghiệp có niêm yết đúng giá ko? Hay doanh nghiệp niêm yết đúng nhưng liệu có bán đúng giá niêm yết hay ko?

Theo ông Lam, vừa qua, Cục Quản lý thị trường cũng đã yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường các địa phương tổng hợp lại tất cả các yêu cầu do Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đề ra trong vấn đề kiểm tra giá đối với mặt hàng sữa, sắp tới sẽ có báo cáo chính thức.

Mặt hàng sữa luôn được theo dõi sát sao?

Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), đối với mặt hàng sữa thuộc mặt hàng bị quản lý về giá. Do đó, thời gian qua Cục Quản lý cạnh tranh đã thực thi triển khai kiểm tra mặt hàng này kể cả trong lĩnh vực cạnh tranh cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

“Thực tế chúng tôi cũng đã biết khả năng tăng giá của các doanh nghiệp kinh doanh sữa tại Việt Nam. Đặc biệt trong vòng 2 năm qua, đối với mặt hàng sữa, Cục Quản lý cạnh tranh luôn theo dõi sát sao. Chúng tôi cho rằng, đối với thị trường sữa tại Việt Nam, đây là một thị trường cạnh tranh hết sức khốc liệt”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho rằng, mặc dù có nhiều doanh nghiệp vẫn tăng giá sữa trong thời gian gần đây, tuy nhiên, Cục Quản lý cạnh tranh chưa thể có kết luận hiện tại có mấy doanh nghiệp vi phạm. Mặc dù vậy, qua các kênh thông tin, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ cùng với các cơ quan có liên quan tập hợp các dữ liệu, thông số, đồng thời tiếp tục theo dõi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tiếp tục kiểm soát chặt chẽ vấn đề này.

“Nếu phát hiện có hành vi cụ thể, chúng tôi sẽ chính thức đề nghị điều tra sơ bộ. Quá trình điều tra sơ bộ sẽ kéo dài 30 ngày. Nếu trong quá trình điều tra sơ bộ phát hiện ra có hành vi phản cạnh tranh, chúng tôi sẽ chính thức điều tra, thời hạn điều tra chính thức kéo dài 180 ngày”, ông Nam cho biết. “Tùy từng vụ việc, nếu có tính chất phức tạp, thủ trưởng cơ quan điều tra sẽ gia hạn, nhưng ko quá 2 lần, mỗi lần ko quá 60 ngày”.

Liên quan đến việc doanh nghiệp sữa tăng giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, không phải bây giờ có thông tin Bộ mới tiến hành xem xét, xử lý mà đã tiến hành công việc này từ lâu, không chỉ riêng mặt hàng sữa mà cả nhiều mặt hàng thiết yếu khác.

“Sữa là mặt hàng “nhạy cảm”, luôn được nhiều người quan tâm. Với những diễn biến hiện tại của thị trường sữa, chúng ta có thể phán đoán, nghi ngờ nhưng vẫn phải làm theo đúng trình tự pháp lý, một mặt phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhưng mặt khác cũng phải có biện pháp bảo vệ những doanh nghiệp, đại lý làm ăn chân chính. Bộ Công Thương cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính theo đúng những chức trách đã được giao, đúng trách nhiệm cần phải làm”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh./.