Chỉ dẫn địa lý là một trong những điều kiện quan trọng để nông sản của từng địa phương được quảng bá và nâng cao giá trị thương phẩm khi đưa ra thị trường. Thế nhưng hiện tại vẫn còn nhiều cá nhân và doanh nghiệp nhận thức chưa đúng mức về tầm quan trọng của việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho nông sản.

Hiện cả nước có khoảng 800 sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng. Hầu như mỗi địa phương, vùng, miền đều có sản phẩm đặc trưng, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, đến nay mới có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 giấy chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nổi tiếng, như chè Tân Cương, nhãn lồng Hưng Yên, bưởi Năm Roi, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột…

Ngoài việc có rất ít sản phẩm được bảo hộ thương hiệu, chỉ một số ít chỉ dẫn địa lý xây dựng được hệ thống quản lý và kiểm soát, dẫn đến tình trạng sử dụng trái phép tràn lan các sản phẩm đã đăng ký chỉ dẫn địa lý trên thị trường.

Thời gian qua, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhiều lần cảnh báo việc đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với những thương hiệu thuộc sở hữu tập thể, cộng đồng. Bởi trên thực tế, nếu đăng ký muộn, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam sẽ bị nước ngoài chiếm dụng và được pháp luật về sở hữu trí tuệ quốc tế bảo hộ, gây khó khăn cho công tác xuất khẩu. Trường hợp địa danh “Buôn Ma Thuột” bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký tại Trung Quốc là ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, những cảnh báo của cơ quan chức năng đến nay dường như vẫn chưa được cả người dân và doanh nghiệp quan tâm. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc đăng ký chỉ dẫn địa lý để nâng cao uy tín, cũng như chất lượng sản phẩm trên thị trường./.