Những năm gần đây, ngành công nghiệp của Việt Nam phát triển nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Trong giai đoạn 2011-2015, giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng 7,6%, giá trị sản xuất tăng bình quân 10%. Ngành sản xuất công nghiệp đã có bước phát triển và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực khi tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao…

phat_trien_cn_pepr.jpg
Lắp ráp ô tô tại Nhà máy lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam. (Ảnh: Báo Giao thông)

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sẽ huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; Ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, để ngành công nghiệp của Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cần phát huy nội lực và tận dụng tối đa cơ hội do các Hiệp định Thương mại tự do mang lại.

“Thời gian tới, các sản phẩm công nghiệp của chúng ta nói chung cũng như một số các ngành công nghiệp có thế mạnh sẽ phải được tiếp tục quan tâm và có những kế hoạch tiếp cận, phát triển thị trường một cách bền vững hơn nữa. Trên cơ sở khai thác các cơ hội của các khung khổ hội nhập mới mà chúng ta đã và đang có. Sắp tới sẽ tiếp tục thực hiện các quy trình pháp lý để tiếp tục triển khai thực hiện, ví dụ các FTA với Liên minh châu Âu, hay là Liên minh kinh tế Á-Âu, Hiệp định TPP mặc dù có độ trễ chậm hơn. Đây sẽ là những yêu cầu cấp thiết và chắc chắn sẽ mang lại những bước phát triển đột biến hơn, bền vững hơn,” Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh./.