Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS 2018) diễn ra tại Hà Nội chiều nay (13/9),Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - Borge Brende cho rằng, Việt Nam đã chứng kiến một sự tăng trưởng kinh tế tuyệt vời, và sự thành công của Việt Nam tiếp tục phát triển vững chắc.

Chủ tịch WEF đánh giá cao tăng trưởng GDP của Việt Nam trong những năm gần đây, đồng thời bày tỏ ấn tượng trước sự gia tăng về giá trị của thị trường chứng khoán, lạm phát thấp và ổn định, thương mại phát triển nhanh, FDI tăng...
brende_qupo.jpg
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - Borge Brende (Ảnh: Reuters)

Đặc biệt, ông Borge Brende nêu bật thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam với tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh từ khoảng 50% vào năm 1990 xuống chỉ dưới 3% vào thời điểm hiện tại.

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhấn mạnh, Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy rằng có thể đẩy lùi đói nghèo với những chính sách phù hợp. Bản thân Việt Nam không "ngủ quên" trong chiến thắng và không tự mãn, hơn thế nữa còn tiếp tục cải cách để đảm bảo có thể tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 đã rất thành công, tạo nên hình ảnh đẹp trong cộng đồng quốc tế về sự hợp tác hiệu quả giữa WEF và Việt Nam cũng như các nước ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) tham dự Hội nghị VBS 2018. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng cũng đánh giá, Việt Nam đã tham gia khá rộng vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng xét về độ sâu thì còn nhiều việc phải làm khi tỷ trọng giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng thế giới chưa tương xứng với tiềm năng.

Trước thực trạng đó, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các tập đoàn quốc tế tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đặt niềm tin nhiều hơn vào doanh nghiệp Việt Nam.

Lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Việt Nam khẳng định, chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại đang đe dọa các thể chế thương mại song phương lẫn đa phương. Tuy nhiên, Việt Nam luôn nhất quán đề cao lợi ích của thương mại tự do, toàn cầu hóa. Đây là xu hướng chính để phát triển và Việt Nam đang đi theo hướng này./.