Theo lãnh đạo Vụ Tài chính (Bộ Giao thông - Vận tải), cơ quan chủ trì thẩm định dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thu, quản lý thu phí sử dụng đường bộ theo quy định tại Nghị định số 18/2012/NĐ – CP về Quỹ Bảo trì đường bộ, mức thu cơ bản đối với xe ô tô được đề xuất là 180.000 đồng/tháng.
Mức cơ bản này áp dụng cho xe ô tô dưới 10 ghế (kể cả người lái), xe cứu thương, xe tang lễ, xe chở tiền, xe tải, rơ - moóc có trọng tải dưới 2 tấn hoặc tương đương là 180.000 đồng/tháng. Trên cơ sở mức thu cơ bản, Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng mức thu bậc thang cho các phương tiện cơ giới có số ghế hoặc tải trọng lớn hơn.
Cần phải nói thêm, Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đóng vai trò là cơ quan đề xuất, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan ký ban hành. Theo kế hoạch, dự thảo hai thông tư liên quan tới hoạt động thu, chi của Quỹ Bảo trì đường bộ sẽ được chuyển sang Bộ Tài chính vào cuối tuần này.
Đánh giá về đề xuất trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho là tương đối “vừa sức” với doanh nghiệp.
Hiện Bộ Giao thông - Vận tải đang cân nhắc phân loại phương tiện chịu phí theo hướng dầy thêm, thay vì 7 mức, để mỗi nhóm tải trọng gần nhau có mức thu không quá chênh lệch.
Chủ các phương tiện sẽ đóng phí sử dụng đường bộ từng tháng hoặc 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 30 tháng.
Dự kiến, cơ quan thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô là các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên nguyên tắc chỉ cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và vệ sinh cho chủ phương tiện đã nộp đủ phí. Đổi lại, cơ quan thu phí được để lại 1% số thu để chi cho công tác thu.
Về mức thu sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, Bộ Giao thông - Vận tải dự kiến chia thành 4 loại, ứng với 4 mức thu khác nhau, thay vì 3 mức như trước đó.
Theo đó, loại có dung tích xy lanh dưới 70 cm3 thu từ 80.000 – 120.000 đồng/năm; xe từ 70 cm3 đến 100 cm3 thu từ 100.000 – 150.000 đồng/năm; xe có trên 100 cm3 đến 175 cm3 thu 120.000 – 180.000 đồng/năm; loại trên 175 cm3 thu 150.000 – 225.000 đồng/tháng. Mức thu cụ thể đối với xe mô tô sẽ do UBND cấp tỉnh quy định, phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết.
Liên quan tới dự thảo Thông tư liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Giao thông - Vận tải hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ, hiện các cơ quan liên quan đã thống nhất được các nội dung chi. Theo đó, có tới 22 đầu công việc sẽ được sử dụng nguồn thu của Quỹ với ba loại cơ bản: chi bảo trì công trình đường bộ, chi quản lý công trình đường bộ và chi bộ máy quản lý.
Dự kiến, Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương do Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ tịch, 3 phó chủ tịch do lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đảm trách. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô tham gia với tư cách ủy viên.
Được biết, cùng với việc khẩn trương hoàn tất các dự thảo thông tư này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng Đề án về đổi mới công tác bảo trì đường bộ trong phạm vi cả nước, theo hướng sẽ tổ chức việc đặt hàng, đấu thầu công khai về công tác này đối với các doanh nghiệp, kể cả tư nhân và cổ phần.
“Chúng tôi sẽ thực hiện cơ chế thị trường trong việc quản lý, bảo trì các tuyến đường bộ với sự giám sát, quản lý của xã hội, người dân một cách minh bạch theo đúng thông lệ quốc tế”, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định./.