HTX là hình thức tổ chức kinh tế của nhân  nhân có sức lan tỏa giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như: giải quyết việc làm, tăng thu nhập góp phần ổn định chính trị xã hội, đặc biệt tạo sự công bằng và phát huy dân chủ cơ sở. Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm gần đây, sau khi Luật HTX 2012 có hiệu lực, số HTX hoạt động hiệu quả chỉ dừng lại ở mức 20%, một con số còn quá hạn chế.

Xét về hiệu quả hoạt động thì khoảng 70% số hợp tác xã là trung bình yếu, 10% còn lại hoặc là ngừng hoạt động hoặc giải thể. Những khó khăn về mặt chính sách chưa thực sự tạo động lực cho sự phát triển của các Hợp tác xã trên cả nước.

htx_copy_xebq.jpg
Hợp tác xã tại Yên Bái

Theo Luật định, chậm nhất đến hết tháng 6 năm nay, các Hợp tác xã phải chuyển đổi xong theo Luật HTX năm 2012. Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2015 chỉ có 20% số Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX 2012.

Ông Trần Văn Chương - Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An cho biết: mặc dù Ban chỉ đạo kinh tế tập thể tỉnh Nghệ An và Liên minh Hợp tác xã Nghệ An đang tích cực chỉ đạo các địa phương để thực hiện chuyển đổi các Hợp tác xã nhưng đến nay kết quả đạt được chỉ ở mức khiêm tốn.

“Khó khăn trong công tác chuyển đổi các Hợp tác xã hiện nay là xuất phát từ bản thân các Hợp tác xã. Các Hợp tác xã rất lúng túng và có tư tưởng chờ đợi cho nên tiến độ thực hiện khó khăn. Thứ hai, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự tích cực cho nên việc kiểm tra đôn đốc và thúc cho nên công tác chuyển đổi gặp khó khăn,” ông Chương nói.

Khó khăn của việc chuyển đổi các HTX theo Luật năm 2012 có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đầu tiên có thể thấy là bản thân HTX thời gian dài hoạt động yếu kém, khâu cán bộ và phương án sản xuất chưa rõ ràng. Quá trình đăng ký lại HTX là quá trình "nắn" lại HTX đúng với mô hình nhưng bản chất là đưa HTX hoạt động theo đúng quỹ đạo. HTX không chỉ là câu chuyện có Hội đồng Quản trị mà quan trọng là xác định trách nhiệm xã viên khi tham gia HTX và trách nhiệm HTX với xã viên. Đồng thời, cần có phương án, kế hoạch kinh doanh khi vào HTX. Tất cả điều đó đòi hỏi bản thân HTX và xã viên phải chủ động. Tuy nhiên, chính những lý do trên lại là điểm yếu dẫn đến lúng túng khi chuyển đổi HTX theo Luật năm 2012.

Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, trong lúc các HTX lúng túng gặp phải khó khăn thì các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời về đánh giá tài sản, xử lý nợ và câu chuyện giải thể khi HTX không đạt yêu cầu.

“Sự quan tâm các cấp ủy, địa phương đối với vấn đề chuyển đổi cứ chờ “nước đến chân mới nhảy”. 3 năm qua không thấy động tĩnh gì nhưng sau khi các Bộ ngành “đánh động” thì các địa phương chuyển mạnh. Như thế cũng là tín hiệu mừng nhưng có sức ép, nếu không cẩn thận làm ồ ạt, hình thức…,” ông Thịnh băn khoăn.

Sau 3 năm Luật hợp tác xã 2012 có hiệu lực, đến nay, cả nước chỉ có 24 tỉnh thành phố có văn bản chỉ đạo thực hiện, 38 địa phương có kế hoạch chỉ đạo Hợp tác xã tổ chức lại theo Luật….Nhận thức của các cấp, ngành và đặc biệt là trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương còn chung chung, chưa tích cực triển khai. Nhiều văn bản hướng dẫn dưới Luật chậm được ban hành và một số quy định trong Luật khó vận dụng vào thực tế, nhất là đối với các Hợp tác xã nông nghiệp.

Phương thức chuyển đổi cũng như thành lập mới HTX kiểu mới hiện là yêu cầu bức thiết của địa phương, gắn với tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới. Để phát triển HTX kiểu mới, Liên minh HTX Việt Nam đã tham mưu với các bộ ngành, các tỉnh, thành phố tìm giải pháp để thành lập HTX không hình thức, không chạy theo tiêu chí của nông thôn mới mà đúng bản chất.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự cho rằng nhà nước phải thực sự đóng vai trò là “bà đỡ”. “Điều quan trọng để phát triển HTX kiểu mới theo chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực và quy mô lớn, đầu tiên phải có chính sách hấp dẫn, thông thoáng, đồng bộ, thực sự là “bà đỡ” của HTX. Chính sách vừa qua cú nhát, chưa hấp dẫn, thậm chí chưa mặn mà. Vì tham gia HTX là những người yếu thế, yếu cả kiến thức, năng lực, vốn, công nghệ và cả thị trường cho nên nhà nước phải thực sự là “bà đỡ”. Tất nhiên “bà đỡ” khác bao cấp, nhưng phải có thời gian nhất định,” ông Cự nhấn mạnh.

Khó nhất hiện nay là nhận thức về HTX ở địa phương hiện vẫn chưa đạt yêu cầu. Ở cấp Trung ương đặc biệt nhấn mạnh vai trò của HTX nhưng xuống đến cấp tỉnh đã nhạt đi, xuống huyện, xã lại càng mờ nhạt. Chính vì vậy, việc thay đổi định kiến của người dân về HTX đang là 1 trong những yêu cầu bức thiết. Do đó, nhà nước phải có hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ đủ mạnh phù hợp với quá trình hội nhập, tạo đà cho khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm góp phần xứng đáng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Trong đó, đặc biệt chú ý chuyển đổi mô hình Hợp tác xã theo Luật HTX 2012 là chuyển đổi đúng bản chất chứ không chuyển đổi theo hình thức “rượu cũ, bình mới”./.