Sáng 26/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 nhằm đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm nay. Chính phủ cũng tập trung thảo luận những vấn đề nổi lên cần tập trung chỉ đạo, điều hành trên tinh thần kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, để tạo tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế phát triển bền vững và đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội.

Nhiều chuyển biến tích cực

Đánh giá một cách tổng thể, tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm nay trên các lĩnh vực tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Trước hết là các chỉ số kinh tế vĩ mô ngày càng được củng cố đúng hướng với những tín hiệu khả quan hơn. Nổi rõ là trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ đang chủ động điều tiết trên cơ sở kiểm soát thành công lạm phát từ đầu năm đến nay; lãi suất cũng đang trên đà giảm dần; tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối đã tăng lên hơn 12 tuần nhập khẩu; xuất khẩu 5 tháng đầu năm tiếp tục tăng cao trên 15% so với cùng kỳ năm ngoái với gần 50 tỷ USD…

cp%20hop%20thang%205.jpg
Ảnh: Chinhphu.vn

Về tình hình thị trường bất động sản liên quan trực tiếp đến phân khúc nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Chúng tôi đang tích cực để gắn tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cách đi rất đúng hướng để khắc phục lệch pha cung-cầu, cân đối cung cầu và đáp ứng để người dân có nhà ở. Hiện nay có 56 dự án đã chuyển đổi từ dự án nhà thương mại sang làm nhà ở xã hội, nhiều dự án mới đã khởi công. Ngoài việc cấu trúc lại dự án của các địa phương, cùng với Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư triển khai gói 30 nghìn tỷ và gói này không phải để trực tiếp cứu bất động sản mà để cho người nghèo vay mua nhà, thuê mua nhà, trong điều kiện hiện nay gói này góp phần tăng cầu của nền kinh tế.

Nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng còn khó khăn

Các thành viên Chính phủ cũng nhận định rõ những khó khăn, thách thức nổi lên của nền kinh tế cần phải tập trung xử lý. Đó là khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng đều gặp khó khăn; chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay chậm được thu hẹp; lãi suất cho vay vẫn còn cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng huy động vốn của các tổ chức tín dụng…

Các giải pháp điều hành của Chính phủ tuy đã phù hợp với thực tiễn nhưng việc triển khai, cụ thể hóa vào cuộc sống ở một số nới vẫn còn quá chậm, thậm chí có những lĩnh vực chưa đem lại hiệu quả. Sau khi phân tích tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu gạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Đề nghị hạn chế số lượng đầu mối các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, có như vậy mới nâng dần được giá bán gạo. Phải kiên quyết 130, 150 đầu mối phê duyệt như vậy và trong quá trình thực hiện nếu đầu mối nào vi phạm là phải cắt, rút giấy phép. Các ngành khác như xuất khẩu thủy sản cũng phải kiểm soát như vậy.”

Không chủ quan, lơ là…

Trên cơ cở lắng nghe ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các thành viên Chính phủ không chủ quan, lơ là, tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đây là tiền đề để phát triển bền vững, tiếp tục đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Bây giờ vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô vừa kiểm soát lạm phát, nhưng phải tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư để đạt tăng trưởng, nhưng đạt tăng trưởng bền vững. Không vì tăng trưởng trước mắt mà gây lạm phát trở lại, đi ngược lại tái cơ cấu. Trước mắt, khoanh nợ cho doanh nghiệp, tiếp tục cho vay cũng phải lựa chọn…”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và lãnh đạo chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng chậm cụ thể hóa các giải pháp điều hành của Chính phủ vào cuộc sống. Bộ Tài chính thực hiện đúng kế hoạch thu chi ngân sách gắn với nghiêm túc thực hiện tiết kiệm chi tiêu. Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và dứt khoát không được để xảy ra tiêu cực; tiếp tục điều hành ổn định giá cả và tỷ giá; giảm chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay; tăng dư nợ tín dụng theo hướng rải đều, không giật cục và giảm lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên, nhất là hướng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn…

Ưu tiên vốn cho sản xuất nông nghiệp

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó dành ưu tiên vốn cho sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp có nhu cầu trên thị trường, đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sớm trình quy hoạch đầu mối xuất khẩu gạo, kiên quyết dừng ngay các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu hàng nông sản, đồng thời nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm liên quan đến sự cố mất điện khu vực phía Nam và phải có biện pháp không để xảy ra sự cố tương tự, đồng thời tính toán cân đối đảm bảo nguồn điện đến năm 2020. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tín dụng và tái cơ cấu đầu tư công.

Không để doanh nghiệp ứng vốn triển khai trước các dự án

Thủ tướng nhắc các địa phương nghiêm túc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, dứt khoát không để doanh nghiệp ứng vốn triển khai trước các dự án. Cùng với tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả các chính sách, chương trình an sinh xã hội, Thủ tướng nêu rõ quyết tâm của Chính phủ với nhiều giải pháp đồng bộ để tập trung khắc phục từng bước tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trung ương. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường các biện pháp đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, kiểm soát chặt chẽ an ninh mạng; đẩy mạnh thường xuyên, liên tục các biện pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông…

Cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ nhất trí về cả nguồn lực và phương thức để tập trung thực hiện các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn Tây Nguyên. Các thành viên Chính phủ cũng đóng góp nhiều ý kiến xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa và dự án Pháp lệnh Cảnh sát cơ động./.