Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính – ngân sách năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đặt vấn đề: Trong bối cảnh thu năm nào cũng vượt kế hoạch, năm sau thu cao hơn năm trước. Nhưng cân đối ngân sách, tài chính quốc gia rất khó khăn. Bội chi ngân sách còn cao. Ngành tài chính cần phân tích để tìm ra căn nguyên, trong đó cần xem xét việc động viên nguồn lực hợp lý chưa? Nếu chưa thì cần nghiên cứu để đề ra chính sách hợp lý cho những năm tiếp sau.

Điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả

Về công tác tài chính, ngân sách năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá: Năm 2015 có nhiều khó khăn, thách thức, áp lực về tình hình biến động chính trị, kinh tế… trên thế giới đã tác động nhanh và mạnh đến kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ngành tài chính đã triển khai nhiềm giải pháp kịp thời và đạt kết quả khả quan, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt là góp sức thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, tạo ra niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

ptt_vu_van_ninh_leem.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: MOF)

Trong đó, đáng chú ý là công tác điều hành ngân sách đã chủ động hơn và đạt kết quả thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra trong bối cảnh giá dầu thô sụt giảm mạnh khiến hụt thu lớn từ dầu thô. Tuy nhiên, kết quả cả năm cho thấy, ngân sách trung ương vẫn có thể đảm bảo cân đối, không phải dùng đến số tiền 10.000 tỷ đồng thu từ thoái vốn DN để bù đắp hụt thu như đã trình tại Quốc hội.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành cơ bản cơ chế, chính sách để sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Riêng năm 2015 đã hoàn thành 95% kế hoạch cổ phần hóa DNNN của 5 năm (2011-2015).

Ngành tài chính cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính và đạt kết quả vượt mục tiêu đề ra. Công tác quản lý giá cũng đạt nhiều tiến bộ….

“Điều đó chứng tỏ công tác dự báo, đánh giá tình hình đã sát thực tế hơn, kịp thời hơn. Bám sát và kịp thời nắm bắt diễn biến quá trình triển khai thực hiện các giải pháp đề ra và có những giải pháp phù hợp. Công tác điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt hơn. Và sự phối hợp giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành và các địa phương tốt hơn..”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chi thường xuyên tăng quá nhanh và áp lực trả nợ công lớn

Tuy nhiên, từ kết quả công tác tài chính, ngân sách năm 2015 và nhìn trong cả quá trình của giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước của nước ta tăng quá nhanh, tăng cao hơn cả tăng thu nên ngân sách gặp khó khăn là đúng. Vì thế, trong giai đoạn tới, ngành tài chính cần cơ cấu lại chi thường xuyên.

Chi NSNN năm 2015 ước tăng trên 70% so với năm 2010

"Quy mô thu NSNN giai đoạn 2011-2015 bằng gần 2 lần giai đoạn 2006-2010 và bằng hơn 5 lần giai đoạn 2001-2005. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN bình quân khoảng 21%GDP, khá sát với Nghị quyết Quốc hội (không quá 22-23%GDP). Cơ cấu thu đã có chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN (giai đoạn 2011-2015 khoảng 68%, trong đó năm 2015 khoảng 74%, cao hơn mục tiêu đề ra là 70%).

Tổng chi NSNN 5 năm 2011-2015 ước xấp xỉ mục tiêu 5 năm đã đặt ra. Quy mô chi NSNN năm 2015 ước tăng trên 70% so với năm 2010. Tỷ trọng tổng chi NSNN so GDP giảm dần từ mức trên 30%GDP năm 2010 xuống khoảng 26%GDP năm 2015. Chi NSNN cơ bản đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về phát triển KT-XH, góp phần tích cực phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo ASXH, giữ vững trật tự, an toàn, ổn định xã hội.  

Tuy nhiên, do việc cắt giảm nhanh chính sách thu, cùng với áp lực tăng chi lớn, dẫn đến cân đối NSNN khó khăn; bội chi NSNN phải duy trì ở mức cao, dư nợ công tăng nhanh, đòi hỏi có giải pháp phù hợp để giảm dần trong giai đoạn tới" - Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, do yêu cầu đầu tư phát triển nên nợ công tăng nhanh, nhưng cơ cấu nợ công, đặc biệt là nợ trong nước có thời hạn ngắn và lãi suất cao gây áp lực rất căng thẳng cho công tác trả nợ. Cho nên, ngành tài chính cũng cần cơ cấu lại nợ công để đảm bảo nợ công quay về lành mạnh, vững chắc và đảm bảo an toàn, an ninh tài chính.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2016 công tác điều hành vĩ mô của nền kinh tế có thể khó khăn hơn năm 2015 vì có nhiều tác động của những biến động trên thế giới và bản thân Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Do đó, khi có những biến động từ các quốc gia này cũng sẽ tác động ảnh hưởng nhanh hơn tới nước ta.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành tài chính cần tập trung đẩy mạnh các giải pháp về để hỗ trợ tích cực hơn nữa sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh để chủ động hội nhập; tiếp tục ổn định vĩ mô ngày càng vững chắc hơn. Vì thế, ngành tài chính cần có điều hành chính sách kỷ cương, kỷ luật và chặt chẽ hơn, cơ cấu lại thu chi ngân sách, nợ công một cách hợp lý.

Tăng thu nội địa

Khi giá dầu thế giới vẫn khó lường, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tài chính cần tìm giải pháp để tăng thu nội địa thêm khoảng 7-8% để bù hụt thu từ dầu thô trong năm 2016, cho dù năm 2016 mức hụt thu từ dầu có thể thấp hơn 2015.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát chi chặt chẽ hơn ngay từ đầu năm. Tiếp tục có giải pháp phát triển thị trường phù hợp, trong đó đặc biệt là phát triển thị trường vốn, thị trường bảo hiểm để huy động vốn tốt hơn cho nền kinh tế. Bởi hiện nay nguồn vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường tiền tệ, ngân hàng.

Đối với công tác cổ phần hóa DNNN, theo Phó Thủ tướng, dù đã đạt 93-95% kế hoạch của giai đoạn 2011-2015, nhưng nhiều DNNN hiện tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ vẫn ở mức cao, cần tiếp tục thoái vốn và nâng cao hiệu quả quản trị DNNN.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành tài chính phải thận trọng, linh hoạt trong công tác điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý như điện, xăng dầu, than vì đây là những mặt hàng rất nhạy cảm; đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính để năm 2016 đạt chuẩn ngang các nước ASEAN 4…/.