Trước Quốc hội, sáng nay 20/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2014 cơ bản đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội mà Quốc hội đã đề ra. Trong 14 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt, vượt và 01 chỉ tiêu không đạt.
Các chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt Kế hoạch năm 2014 là: Tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu, tốc độ tăng giá tiêu dùng, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi ở khu vực thành thị, tạo việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, số giường bệnh/1 vạn dân, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được xử lý, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, tỷ lệ che phủ rừng. Một chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo (đạt 49% so với kế hoạch 52%).
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trình bày trước Quốc hội cho rằng: Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường đạt thấp theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch 5 năm 2011-2015. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 4 năm 2011-2014 dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 5,67%/năm, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo Kế hoạch (6,5% - 7%). So với trong khu vực ASEAN thì tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại trong khi một số nước đã có sự cải thiện và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng trong ngành nông nghiệp có xu hướng giảm dần (năm 2011 là 4,02%; năm 2012 là 2,68%; năm 2013 là 2,67%), năm 2014 ước tính tăng trở lại nhưng cũng ở mức 3%-3,1%.
Với những khó khăn, tác động không thuận của tình hình thế giới và khu vực đã ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch, vận tải hàng không, khai thác thủy hải sản, giá và số lượng tiêu thụ, xuất khẩu một số hàng hóa sụt giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến đời sống nông dân. Tổng cầu suy giảm, chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013. Số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn, bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn đến nay phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tội phạm kinh tế.
Cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho năm nay mà sẽ không đủ vốn đầu tư bố trí phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo.
Việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn thấp, khoảng 17% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu gia tăng chủ yếu do tăng trưởng tín dụng tăng thấp và quá trình hạch toán lại các khoản nợ theo chuẩn mực mới trong khi tiến độ giải quyết nợ xấu của Công ty VAMC còn chậm. Từ khi đi vào hoạt động từ tháng 7/2013 cho đến cuối tháng 8/2014, VAMC mua được 3.281 khoản nợ với tổng dư nợ gốc hơn 56 nghìn tỷ đồng, giá mua hơn 46 nghìn tỷ đồng (thấp hơn so với kế hoạch mua từ 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong cả năm 2014). Số lượng nợ xấu được VAMC xử lý thấp do khả năng bán nợ xấu cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các khoản nợ có tài sản bảo đảm bằng bất động sản còn gặp nhiều khó khăn.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại, năm 2013 là 3,61%, cuối tháng 5/2014 là 4,07% và đến tháng 7/2014 là 4,17%. Tỷ lệ thất nghiệp chung giảm nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định.
Năng suất lao động xã hội thấp và có xu hướng tăng chậm lại. Nhiều ý kiến cho rằng với thực trạng nền kinh tế và tình hình doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong những năm qua nhưng số liệu liên quan đến việc làm, thất nghiệp không có biến động lớn là chưa phản ánh đúng thực tế, cần đánh giá thực chất hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, khó khăn của các doanh nghiệp với chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp.
Đời sống một bộ phận lớn công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Một số đề xuất về cải cách giáo dục chưa chuẩn bị kỹ, còn lúng túng, một bộ phận sinh viên ra trường không tìm được việc làm, đào tạo nghề chưa gắn chặt với nhu cầu thị trường lao động, tình trạng dịch bệnh sởi bùng phát nhanh trên diện rộng nhưng phương án ứng phó chưa kịp thời, có đến 145 ca tử vong; an toàn xã hội, an toàn giao thông, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn về môi trường chưa được bảo đảm; một số loại tội phạm gia tăng đáng kể, như tội phạm mạng, buôn bán người, đánh bạc, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đã gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên cơ quan trung ương tăng 19% so với năm 2013./.