Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2014. Theo đó, CPI tháng này đã tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 4,45% so với cùng tháng năm trước.

cpi%20thang%204%20nbam2-1.jpg
Tháng này, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,15%

Trong số các nhóm hàng tính chỉ số giá tiêu dùng, giá của nhóm giao thông tăng mạnh nhất, với 0,33%. Đứng thứ hai là giá hàng may mặc, mũ nón, giầy dép với 0,26%; Thiết bị và đồ dùng gia đình đứng thứ 3 về chỉ số giá tháng này, với mức tăng 0,24%.

Tháng này, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,15%, trái ngược với dự báo sẽ giảm; Giá thuốc và dịch vụ y tế chỉ tăng 0,04%. Chỉ số giá giáo dục tăng 0,06%; nhóm hàng văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,02%...

Tuy nhiên, có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm trong tháng 4 này, gồm: Nhà ở và vật liệu xây dựng (gồm: tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng) giảm 0,56%; Bưu chính viễn thông giảm 0,14%.

So với các kỳ trước, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI 4 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ 2013 chỉ tăng 4,73%.

Diễn biến CPI so với tháng trước của 12 tháng qua (Nguồn: GSO)

Và tính từ đầu năm đến nay, CPI đã tăng 0,88% so với tháng 12/2013. Chỉ số tăng này được ghi nhận là mức tăng thấp nhất sau 4 tháng trong vòng 13 năm trở lại đây.

Trở lại đầu tháng 4, theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 có thể vẫn giảm, tuy nhiên tốc độ giảm thấp hơn so với mức tháng 3/2014.

Cơ sở cho các nhận định này, theo Cục Quản lý giá, giá nhiều hàng hoá nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới sẽ chỉ biến động nhẹ trong tháng 4. Còn trong nước, cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững, sức mua không có nhiều biến động; giá một số loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu được dự báo có xu hướng ổn định hoặc giảm (lương thực, thực phẩm, đường...), giá dầu diezen, madut, dầu hỏa và LPG được điều chỉnh giảm cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2014.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, chương trình bình ổn thị trường năm 2014 tiếp tục triển khai tại địa phương sẽ góp phần bình ổn thị trường giá cả.

Cơ quan quản lý giá cho biết thêm, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, trong tháng 4/2014 cũng có một số yếu tố tác động gây sức ép lên mặt bằng giá như tình hình dịch bệnh trên vật nuôi chưa được kiểm soát hoàn toàn; khô hạn đang diễn ra tại khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ ảnh hưởng đến sản xuất.

Giá một số hàng hóa, dịch vụ có khả năng biến động mang tính mùa vụ do nhu cầu tăng trong các dịp Lễ: Giỗ Tổ, dịp 30/4, 1/5, thời tiết chuyển mùa… Tuy nhiên, bù trừ các yếu tố, dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2014 có thể vẫn giảm tiếp, tuy nhiên tốc độ giảm thấp hơn so với mức tháng 3/2014.

Như vậy, đến thời điểm này có thể thấy chỉ số CPI tháng này đã trái ngược dự báo.