Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính Ngân sách, năm 2013, nhìn chung kỷ luật tài chính, minh bạch hoá chi tiêu của NSNN và đầu tư công được nâng lên. Việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN, kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013 đã được thực hiện sớm theo quy định của Luật NSNN, tạo điều kiện để các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện ngay từ đầu năm và chủ động trong sử dụng kinh phí được giao, hạn chế lãng phí do chậm triển khai nhiệm vụ.
Trong sử dụng NSNN đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm kinh phí, hạn chế việc tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định, các đoàn đi công tác, học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm trong nước và nước ngoài. Ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên tạo nguồn cải cách tiền lương, các bộ, ngành, địa phương còn thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 7 tháng cuối năm 2013, với số tiền khoảng 3.080 tỷ đồng.
Các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện rà soát, tái cơ cấu các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân, tập trung vốn cho các dự án thực sự cần thiết, cấp bách, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA.
Công tác THTK, CLP năm 2013 có nhiều tiến bộ, song tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực với mức độ khác nhau. Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, còn một số hạn chế, tồn tại mà Chính phủ chưa nêu đầy đủ và chưa làm rõ nguyên nhân.
Cụ thể, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tuy có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn hạn chế nhất định,trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, khả năng thu NSNN không đạt dự toán nhưng tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế lớn và tăng cao đột biến ở một số địa phương, ảnh hưởng đến công tác điều hành ngân sách nhà nước.
Chi NSNN còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêmcó lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, chi chuyển nguồn lớn và không giảm, gây lãng phí NSNN. Công tác quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng sử dụng NSNN sai mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định. Trong 7 tháng đầu năm 2013, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 36.450 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định của 16.200 lượt đơn vị, từ chối thanh toán các khoản chi chưa đủ điều kiện chi theo quy định với số tiền khoảng 663 tỷ đồng.
Mặc dù có chuyển biến, song lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) vẫn là điểm đáng chú ý, tình trạng phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn, khởi công mới, bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhưng chưa được xử lý, khắc phục triệt để, gây lãng phí còn diễn ra ở một số địa phương.
Quản lý, sử dụng vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu; tiến trình thực hiện đề án tái cơ cấu, cổ phần hoá còn chậm. Việc thực hiện chức năng quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của các cơ quan chức năng ở một số nơi còn hạn chế, dẫn đến việc vi phạm các quy định của nhà nước, gây thất thoát, lãng phí tiền và tài sản nhà nước.
Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, đất đai còn yếu kém, lãng phí, nhất là tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác tài nguyên khoáng sản diễn ra ở nhiều nơi, làm lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Kết quả thanh tra, kiểm tra tại 37 tỉnh, thành phố trong lĩnh vực khoáng sản và hoạt động khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện vi phạm và đề nghị xử phạt đối với 35 đơn vị với số tiền gần 514 triệu đồng; kiến nghị thu hồi nhiều giấy phép khai thác, thăm dò khoáng sản.
Tình trạng khai thác, chặt phá rừng trái phép vẫn xảy ra, thiệt hại do cháy rừng có giảm hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn lớn, gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường.
Công tác quản lý, sử dụng đất năm 2013 ở một số địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tiến độ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, xã còn chậm. Việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương còn yếu, làm chậm tiến độ triển khai nhiều dự án đầu tư. Tình trạng để đất hoang hóa, quy hoạch treo chậm được xử lý, khắc phục.
Qua giám sát cho thấy, việc sử dụng tài sản công ở một số nơi còn lãng phí, nhất là việc sử dụng hệ thống cảng biển ở một số địa phương hiệu quả thấp, không đạt được mục tiêu đầu tư đặt ra. Tình trạng đầu tư xây dựng trung tâm hội nghị, nhà văn hóa của một số địa phương vượt quá nhu cầu cần thiết, tần suất sử dụng thấp, kinh phí bảo dưỡng, duy trì lớn trong khi NSNN đang rất khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn, gây lãng phí.
Một trong các giải pháp được Ủy ban Tài chính ngân sách đưa ra để tránh tình trạng lãng phí là cần sớm tổng kết, đánh giá, tiến tới áp dụng cơ chế mua sắm công tập trung đối với các cơ quan, tổ chức có hệ thống từ trung ương đến địa phương; sửa đổi chế độ khoán chi đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, xác định chức năng nhiệm vụ rõ ràng gắn với giao kinh phí tự chủ một cách khoa học, đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động quản lý nhà nước. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác THTK, CLP. Biểu dương, khen thưởng kịp thời đơn vị, cá nhân có thành tích chống thất thoát, lãng phí./.