Ông Võ Tư, quê gốc Quảng Ngãi, lấy vợ rồi định cư ở xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hàng ngày, cuộc sống của 2 vợ chồng phải đi làm thuê để lo cái ăn và nuôi con ăn học nhưng cũng thiếu trước hụt sau. Có chút vốn, ông Võ Tư bàn bạc với vợ lên núi mua đất làm trang trại. Thời gian đầu, ông mua cây giống trồng xen canh đậu, bắp và nuôi thêm heo, bò để lấy ngắn nuôi dài. Nhận thấy, khí hậu vùng cao Nam Giang thích hợp với trồng cây ăn trái Nam bộ, ông đã đầu tư mua giống về trồng, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Quyết tâm đổi đời, năm 2000, ông Võ Tư tiếp tục vay vốn, mở rộng trang trại hơn 2.000 mét vuông trên sườn đồi ở thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Từ 100 gốc cam ban đầu, đến nay, ông đã có vườn cam với cả ngàn cây. Ngoài ra, ông còn trồng thêm chôm chôm, bơ, măng cụt, mít tố nữ, hồ tiêu… Ông Võ Tư cho biết, mỗi năm, trang trại trồng cây ăn quả của ông thu lãi hàng trăm triệu đồng, xây được nhà mới khang trang, có tiền nuôi căn ăn học. Ông sẽ tiếp tục phát triển thêm cây bưởi da xanh và một số loại cây ăn quả để tăng thu nhập.

“Bây giờ mình chiết ra thôi chứ mình không mua giống. Có năm thu tới 200 triệu đồng. Mình cũng mở rộng cây trồng mỗi năm một ít. Hiện có hơn 1.000 gốc cam rồi”, ông Võ Tư nói.

Từ thành công trong việc trồng cây ăn quả, ông Võ Tư đã vận động, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con ở địa phương phát triển mô hình kinh tế vườn và trồng cây ăn quả.

Theo bà Zơ Râm Thị Hai, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nam Giang, mới đây, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển cây ăn quả gắn với phát triển nông thôn mới. Theo đó, mỗi năm huyện Nam Giang đầu tư 2,5 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương phát triển cây ăn quả. Trong đó, tập trung một số loại cây trồng như bưởi da xanh, cam Vinh, mít Thái và thí điểm trồng cây măng cụt ở một số xã vùng thấp cũng như bảo tồn giống cây bản địa tại địa phương.

“Trong thời gian tới, huyện tập trung phát triển kinh tế, xây dựng mô hình chất lượng phù hợp với đất đai thổ nhưỡng của địa phương. Lồng ghép các nguồn vốn, huyện đã cân đối các nguồn vốn hỗ trợ nông dân xây dựng trang trại. Huyện đã xây dựng khảo sát lập phương án bảo tồn cây lòong boong bản địa, vì cây này thu nhập rất cao. Phấn đầu hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5 đến 7%”, bà Zơ Râm Thị Hai cho biết.

Những năm gần đây, phong trào trồng cây ăn quả ở nhiều huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam phát triển mạnh mẽ. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp và sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng về cây giống, kỹ thuật, ngày càng có nhiều mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Đây được xem là hướng đi mới giúp người dân miền núi Quảng Nam thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, hiện có hơn 76.000 hộ nông dân trong tỉnh đạt sản xuất kinh doanh giỏi: “Trong những năm qua ở Quảng Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đó là những nông dân giám nghĩ, giám làm để đem lại hiệu quả cao làm thay đổi đời sống, kinh tế xã hội ở nông thôn. Đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc miền núi tự làm trang trại chăn nuôi quy mô lớn để đem lại thu nhập rất cao. Có rất nhiều hộ đồng bào dân tôc đã giàu lên từ kinh tế trang trại, kinh tế vườn”./.