Trở về với cuộc sống đời thường, không ít cựu chiến binh đã mang trên mình những thương tật, song với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, dám nghĩ dám làm, nhiều cựu chiến binh đã trở thành những tấm gương trong sản xuất, kinh doanh và tích cực xây dựng quê hương.

Riêng tại huyện biên giới Chư Prông, tỉnh Gia Lai, còn có cả một câu lạc bộ cựu chiến binh, được người dân gọi là “câu lạc bộ cựu chiến binh tỷ phú”. Họ không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn có nhiều đóng góp cho phong trào sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương, giúp đỡ đồng đội và các hộ dân trong cộng đồng.

Cựu chiến binh Nguyễn Anh Tuấn (ở xã Ia Drăng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Sau khi xuất ngũ năm 1984, ông rời quê hương Duy Tiên, Hà Nam đi lập nghiệp trên vùng biên giới Chư Prông. Sau hơn 30 năm, từ hai bàn tay trắng, vợ chồng ông đã gây dựng được trang trại rộng trên 21 ha, trồng hồ tiêu, cao su, cà phê và chăn nuôi gia súc.

Mỗi năm, trang trại mang lại khoản thu nhập khoảng 5 tỷ đồng. Có điều kiện kinh tế, ông giúp đỡ các gia đình nghèo khó trong thôn vươn lên. Mỗi hộ nghèo được ông cho vay từ 200-600 triệu đồng không tính lãi để đầu tư sản xuất. Ông còn bỏ hàng tỷ đồng để kéo điện sản xuất, thắp sáng, sinh hoạt về thôn, làm đường nhựa để giao thông thuận tiện.

cuu_chien_binh_copy_osrf.jpg
Các cựu chiến binh huyện Chư Prông chia sẻ kinh nghiệm sản xuất

Cựu chiến binh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, những việc thiện mà ông làm hôm nay ngoài giúp đỡ còn để trả ơn cho những hàng xóm đã cùng gia đình ông vượt qua giai đoạn khó khăn trước đây.

Cũng xuất ngũ, rời quê hương đi làm kinh tế trên Tây Nguyên, cựu chiến binh Nguyễn Văn Gác đã thành công khi đến định cư tại làng Grang, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông. Sau 30 năm nỗ lực, ông xây dựng được trang trại có diện tích gần 60ha trồng cà phê, hồ tiêu và cao su. Trang trại của ông hiện đang thu nhận 30 công nhân là con em của cựu chiến binh và bà con có hoàn cảnh khó khăn trong làng, với mức lương tối thiểu 4triệu đồng/người/tháng.

Với những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, ông sẵn sàng cho vay vốn không tính lãi. Nhiều hộ nhờ đó mà đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Gác chia sẻ: giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn là một niềm vui và cũng thể hiện truyền thống tốt đẹp.

Cách đây 5 năm, những cựu chiến binh thành công trong sản xuất, kinh doanh như ông Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Văn Gác… đã tập hợp lại, lập nên câu lạc bộ cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Chư Prông. Đây là câu lạc bộ cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi đầu tiên của tỉnh Gia Lai. Người dân trong huyện thường gọi câu lạc bộ này là Câu lạc bộ “Cựu chiến binh tỷ phú”, bởi toàn bộ hội viên đều có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Đến nay, Câu lạc bộ đã có gần 50 hội viên. Cùng với việc chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, mỗi hội viên trong câu lạc bộ, bằng kinh nghiệm, nguồn lực kinh tế của mình lại hỗ trợ, giúp đỡ những hội viên cựu chiến binh trong tổ hội, chi hội tại nơi cư trú. Qua đó, tạo điều kiện để những cựu chiến binh khó khăn, những hộ gia đình nghèo vươn lên.

Ông Mai Khắc Tuấn, Chủ nhiệm câu lạc bộ, Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Chư Prông cho biết, Hội cựu chiến binh đã phát động trong toàn huyện để nhân rộng điển hình tiên tiến. Qua nhân rộng điển hình tiên tiến này đã có nhiều hội viện giúp đỡ cho hội viên nghèo vay vốn. Trong đó, nổi bật trong phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo là xã Ia Phìn và xã Ia Đrăng.

Bằng ý chí quyết tâm và sức sáng tạo, nhiều cựu chiến binh tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đang trở thành những tấm gương trong sản xuất, kinh doanh. Những người lính Bộ đội Cụ Hồ vững vàng chiến đấu trên chiến trường, nay thời bình, lại tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp, góp phần xây dựng vùng biên giới Chư Prông giàu mạnh./.