Mới đây, tỉnh Cao Bằng đã kiến nghị Chính phủ giao tỉnh hoặc Bộ Giao thông – Vận tải làm chủ đầu tư, sớm đàm phán để vay Trung Quốc 300 triệu USD làm đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, dài 144km với thiết kế 4 làn xe.

cao_bang1_kkng.jpg
 Mới đây, tỉnh Cao Bằng đã kiến nghị Chính phủ giao tỉnh hoặc Bộ Giao thông – Vận tải làm chủ đầu tư, sớm đàm phán với Trung Quốc để vay 300 triệu USD làm đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, dài 144km với thiết kế 4 làn xe.

Vay 300 triệu USD thì lấy gì trả nợ?

Tổng chi phí đầu tư tuyến đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh  là hơn 47.500 tỷ đồng (khoảng 2,16 tỷ USD). Như vậy, để hoàn thành 1km đường cao tốc phải tiêu tốn tới 330 tỷ đồng.

Theo PGS.TS kinh tế Ngô Trí Long, 330 tỷ đồng (tương đương 16 triệu USD) cho 1 km đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là quá cao.

“Tùy vào vị trí, nếu trên tuyến đường có nhiều gầm chui, nhiều cầu vượt hoặc nhiều đường hầm xuyên núi, thì số vốn xây dựng cao là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, để xây dựng 1km đường cao tốc mà mất tới 330 tỷ đồng thực sự quá đắt”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

Theo văn bản mới nhất, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng mong muốn Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đàm phán với phía Trung Quốc để hoàn thành thỏa thuận vay.

Tuy nhiên, trong văn bản nêu ý kiến về dự án, Bộ Giao thông – Vận tải dẫn lại quy định tại Điều 63 Luật Đầu tư công và cho rằng, Bộ không phải đối tượng được vay khoản tiền từ Trung Quốc.

Bởi lẽ, hai doanh nghiệp chuyên đầu tư hạ tầng thuộc Bộ Giao thông – Vận tải là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam hiện không đủ năng lực để tiếp tục vay; còn đối với Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (CIPM) cũng không có khả năng vay nếu Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Do đó, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị Chính phủ giao UBND hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn chủ trì, vay lại khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc. Bộ Giao thông - Vận tải cũng ủng hộ đề xuất giao UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền huy động vốn, triển khai thực hiện đầu tư tuyến cao tốc trên.

Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc để Cao Bằng đứng ra vay vốn nên được Chính phủ xem xét kỹ lưỡng.

“Ngay cả trong thời điểm hiện tại, Cao Bằng vẫn là một tỉnh khó khăn. Tỷ lệ vay như vậy chắc chắn sẽ vượt khung của quy định vay vốn ODA. Vì vậy, nếu đứng ra vay 300 triệu USD từ Trung Quốc, tỉnh Cao Bằng sẽ lấy đâu ra tiền trả nợ?”, ông Phong nói.

“Việc vay vốn phát triển hạ tầng cơ sở để thúc đẩy phát triền kinh tế là việc cần thiết. Nhưng việc vay vốn nên để Chính phủ xem xét, thay vì để Cao Bằng tự đứng ra vay”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói thêm.

Còn theo nhận định của PGS.TS Ngô Trí Long: “Việt Nam hiện nay đang có mức nợ công rất cao. Chính vì vậy, việc để một địa phương như Cao Bằng đứng ra vay vốn như vậy rất nguy hiểm. Trong trường hợp tỉnh này không có khả năng trả nợ, Chính phủ lại là người đứng ra giải quyết. Những việc làm như vậy sẽ gây tổn hại tới uy tín của quốc gia”.

Cẩn trọng khi vay vốn Trung Quốc

Vào giữa năm 2016, một kiến nghị vay 300 triệu USD từ Trung Quốc để xây dựng đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (Quảng Ninh) cũng được dư luận trong nước quan tâm.

iến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc các nước giàu sẵn sàng cho vay ODA đều gắn liền với lợi ích riêng của họ.

Tuy nhiên, phương án này không được sự đồng thuận từ tỉnh Quảng Ninh. Lãnh đạo tỉnh này cho biết, để vay 300 triệu USD này, nếu phía Trung Quốc đưa ra các điều kiện về nhà thầu của Trung Quốc hay điều này điều kia thì rất khó khăn. Trong khi các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có khả năng làm con đường này. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh quyết định chọn nhà đầu tư trong nước xây dựng dự án theo hình thức BOT trong vòng 25 năm thay vì vay vốn từ Trung Quốc.

Đồng thuận với ý kiến của tỉnh Quảng Ninh, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc các nước giàu sẵn sàng cho vay ODA đều gắn liền với lợi ích riêng của họ và kèm nhiều điều kiện.

“Việc vay vốn của Trung Quốc luôn gắn với những điều kiện không có lợi cho đất nước. Ngoài việc lãi suất ra thì Trung Quốc hay chỉ định nhà thầu riêng của họ, sử dụng lao động và công nghệ của họ cho phép”, TS Phong nói.

Ngoài ra, tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đang được dư luận quan tâm vì đây là tuyến đường huyết mạch nối hai tỉnh Cao Bằng – Lạng Sơn và nằm gần với biên giới Trung Quốc. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, nên xem xét dự án này liệu nó có mang lại hiệu quả hay không và có ảnh hưởng gì tới an ninh quốc phòng hay không?

Nhìn vào các dự án Trung Quốc theo diện ODA tại Việt Nam có thể nhìn ra rất rõ các vấn đề cố hữu khi vay vốn từ Trung Quốc như chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém...

Minh chứng rõ ràng nhất là dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Đây là dự án trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư ban đầu là 550 triệu USD bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, theo hình thức EPC.

Trong giai đoạn đầu, ai cũng nghĩ đây là một dự án rẻ. Tuy nhiên, sau vài lần điều chỉnh tăng, dự án này đã bị đội vốn thêm 300 triệu USD.

Ngoài ra, việc dự án liên tục bị trì hoãn, chậm tiến độ cũng khiến nhiều chuyên gia lên tiếng về “chất lượng” của nhà các nhà thầu Trung Quốc.

“Việc Quảng Ninh từ chối vay vốn của Trung Quốc là một cách làm hay. Tuy nhiên, nếu xét giữa Quảng Ninh và Cao Bằng thì hơi khập khiễng. Vì Cao Bằng không có nhiều thế mạnh cũng như kinh tế mạnh như Quảng Ninh. Vì vậy, tôi vẫn nhấn mạnh ý kiến của mình khi cho rằng, việc xây dựng cao tốc tại tỉnh Cao Bằng nên để Chính phủ đứng ra vay vốn”, Tiến sĩ Phong nói./.