Theo báo cáo tại hội nghị đánh giá kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông Xuân 2013-2014 tại Cần Thơ ngày 27/5, vụ Đông - Xuân (2013-2014), Cần Thơ đã thu hoạch dứt điểm hơn 88.000 ha lúa, với năng suất bình quân 7,45 tấn/ha.
Trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 23 doanh nghiệp được Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ 146.000 tấn (quy gạo). Đến nay, các đơn vị đã thu mua vượt chỉ tiêu phân bổ. Giá thu mua của các doanh nghiệp với lúa thường là 5.100 - 5.830 đồng/kg. Lúa thơm là 6.375 - 6.500 đồng/kg (so với thời điểm trước thu mua tạm trữ, giá lúa tăng từ 100-300 đồng/kg).
Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo chưa phát huy hiệu quả mong muốn, do doanh nghiệp không trực tiếp tham gia thu mua với nông dân mà lại thông qua thương lái nên ảnh hưởng đến chất lượng lúa, gạo và người nông dân chưa được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ trên.
Để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững, các doanh nghiệp cần mở rộng vùng bao tiêu sản xuất lúa gạo theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; các bộ, ban, ngành trung ương cần có những hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp để xây dựng lò sấy, nhà kho tại vùng nguyên liệu...
Có thể thấy, việc thu mua tạm trữ được xem là giải pháp giúp giải quyết khó khăn trước mắt cho nông dân. Nhưng để chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo phát huy hiệu quả mong muốn và hướng các doanh nghiệp đi vào sản xuất theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần thơ kiến nghị, tiêu chí đưa ra để phân bổ cho các doanh nghiệp trên địa bàn cần dựa vào năng lực của doanh nghiệp. Việc ký hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp đối với việc mua lúa trực tiếp với nông dân được thực hiện qua cánh đồng mẫu.
Đối với những doanh nghiệp có phương án sản xuất hiệu quả, có nguồn giống tốt cần phân bổ chỉ tiêu để tác động và tạo điều kiện để doanh nghiệp mua thêm nhiều lúa sản phẩm trực tiếp với bà con nông dân./.