Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách tỷ giá ổn định kéo dài quá lâu, đánh giá cao đồng nội tệ đang gây cản trở cho phát triển kinh tế, và gây thiệt thòi cho người dân sản xuất sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước.

Tỷ giá ổn định quá lâu

PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, theo đúng quy luật “trả giá” của kinh tế học, việc lạm phát giảm thấp kéo theo một số điểm đáng lo ngại. Đó là: mức tăng trưởng tín dụng thấp, phản ánh khả năng duy trì và phục hồi “sức khỏe” của các doanh nghiệp nội địa yếu; chênh lệch giữa mức mất giá tiền tệ do lạm phát cao kéo dài gây ra với sức mua đối ngoại của đồng tiền Việt Nam (tỷ giá hối đoái) vốn đã lớn tiếp tục tăng.

tran%20dinh%20thien.jpg
PGS, TS Trần Đình Thiên phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014

Và chính sách duy trì tỷ giá cơ bản ổn định (thường được diễn đạt là có “linh hoạt” chứ không “bất động”, nhưng thực tế chỉ linh hoạt trong một biên độ rất hẹp so với mức lạm phát), vẫn được thực thi và chưa có dấu hiệu thay đổi. Ông Thiên cho rằng, vì thế mà: “Có thể coi đây là hai điểm “tắc nghẽn” lớn và khó “tháo gỡ” bậc nhất hiện nay của nền kinh tế. Nó còn gây tác động tổ hợp: chế độ tỷ giá đánh giá cao đồng nội tệ có tác động khuyến khích nhập khẩu, ít hỗ trợ sản xuất trong nước và không thúc đẩy xuất khẩu. Đó là một trong những lý do căn bản giải thích tại sao sau hàng chục năm nỗ lực, Việt Nam vẫn không thể phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; tại sao nền kinh tế nước ta lại bị lệ thuộc ngày càng nặng nề vào việc nhập khẩu đầu vào”.

Đồng thời, ông Thiên còn nhấn mạnh rằng, tuy không phải là nguyên nhân duy nhất, song có căn cứ để nói việc duy trì quá lâu chế độ tỷ giá ổn định và có xu hướng đánh giá cao đồng nội tệ là một trong những nguyên nhân quyết định của tình trạng sau mấy chục năm nỗ lực hết sức cho mục tiêu “nhanh chóng rút ngắn khoảng cách tụt hậu phát triển” và trở thành “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” thì cho đến nay, Việt Nam vẫn chỉ có một nền công nghiệp đẳng cấp rất thấp, có thể nói là thuộc loại thấp nhất.

“Nếu tính từ mốc giải phóng miền Nam 1975, cả nước cùng tiến hành công nghiệp hóa, đến nay, sau 40 năm rồi mà nền công nghiệp của nước ta vẫn “chuyên” về khai thác tài nguyên; cơ bản vẫn chưa thoát khỏi trình độ “gia công, lắp ráp”- ông Thiên dẫn chứng.

Từ hai điểm “tắc nghẽn” nêu trên, ông Thiên nhấn mạnh: “Dù cân đo theo chiều nào, năng lực trả nợ công - thể hiện ở năng lực tăng thu ngân sách (trả nợ trong nước) và năng lực tăng trưởng xuất khẩu, trong quan hệ với tăng trưởng nhập khẩu (trả nợ nước ngoài) đều có nguy cơ suy giảm nhanh. Mức độ an toàn nợ công, vì thế, giảm mạnh - và thực tế là đang giảm với một mức độ đáng quan ngại”.

Cần thay đổi chính sách tỷ giá

Đồng quan điểm về việc cần phải thay đổi chính sách về tỷ giá, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Chính sách Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, cho rằng: Nếu tình hình tỷ giá như hiện nay, không riêng gì nông nghiệp, các ngành hàng khác của Việt Nam xuất khẩu đều bị thiệt thòi. Vì thế, cần phải có sự nghiên cứu điều chỉnh, dù chút ít thôi, cho sát với thị trường, chúng ta sẽ không cần bỏ tiền ra mà toàn bộ xã hội sẽ có động lực để thúc đẩy xuất khẩu”.

Cũng không hài lòng về chính sách tỷ giá hiện nay, Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, cho rằng: “Hiện nay, Việt Nam ký hiệp định với các nước khác ngày càng nhiều, hội nhập ngày càng sâu rộng. Nhưng đồng bạc Việt Nam, hiện nay, theo tính toán của các chuyên gia, có người nói đang bị cao giá 10%, có người nói cao tới 20-25%. Thực tế, nhắm mắt cũng biết là nó cao giá. Khi cao giá như thế, càng hội nhập nhiều, càng hạ hàng rào thuế quan xuống, nguồn lực của đất nước ngày càng bị nước ngoài vào xâm chiếm”.

Bởi vì, ông Lược phân tích rằng: Trên thế giới như đang diễn ra cuộc chiến tranh tiền tệ, vì hàng rào thuế quan giảm xuống, các nước đua nhau hạ giá đồng tiền của họ. Ví dụ, đồng Yên Nhật đã hạ giá tới 20% năm vừa qua. Hay Trung Quốc, trước sức ép tăng giá, nay quốc gia này đã hạ giá đồng Nhân dân tệ vì kinh tế khó khăn. Nhưng Việt Nam lại tỏ ra tự hào, xem nó như thành tích khi ổn định tỷ giá. Tôi lấy làm lạ với tư duy này. Bởi vì, chúng ta sợ rằng, nếu chúng ta hạ giá đồng tiền, giả định năm nay ta trả nợ 9 tỷ USD, nếu chỉ cần phá giá tiền đồng 10%, chúng ta sẽ lại phải trả thêm 1 tỷ nữa”.

Nhưng theo phân tích của ông Lược, tính toán số liệu thì việc trả thêm 1 tỷ USD này, chúng ta được lợi nhiều tỷ khác. Đơn cử, nông nghiệp xuất khẩu được lợi nhiều hơn, công nghiệp phụ trợ sẽ phát triển được vì công nghiệp phụ trợ đòi thị trường lớn. Còn nếu chính sách tỷ giá như hiện nay, có thể chỉ giúp các nhà công nghiệp phụ trợ Trung Quốc vào và chiếm thị trường, Việt Nam sẽ càng khó phát triển”.

Trước thực tế này, ông Lược kiến nghị cơ quan chức năng của Việt Nam cần nghiên cứu và mạnh dạn xử lý vấn đề tỷ giá cho phù hợp với thực tế, đặc biệt là đang trong thời đại cạnh tranh ngày càng quyết liệt”./.