Tiềm lực kinh tế, năng lực quản trị và tư duy - nghĩ lớn của doanh nhân đã tạo ra doanh nghiệp lớn. Càng trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách, vai trò của doanh nghiệp - doanh nhân lớn càng được thể hiện rõ. Để chủ động sản xuất thì phải phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Doanh nghiệp lớn sẽ tạo động lực, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng. Mạng lưới đổi mới sáng tạo càng cần có sự dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn…
Đó là lý do vì sao mà cả cơ quan quản lý và giới chuyên gia đều kỳ vọng có nhiều doanh nghiệp lớn để dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và nền kinh tế lớn lên.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định: “Có thể nói rằng dịch bệnh có ảnh hưởng nặng nề tới hầu hết các doanh nghiệp dù là ở quy mô lớn, vừa hay là nhỏ…
Và tôi biết là nhiều doanh nghiệp lớn thua lỗ cũng rất là lớn, nhưng khi nghe lời kêu gọi của Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì với tinh thần lá lành đùm lá rách, tương ái, tương thân, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp và thương hiệu lớn vẫn là những mạnh thường quân, và vẫn là những tấm lòng vàng đóng góp nhiều nhất cho các quỹ an sinh xã hội và phát triển bền vững, lo việc làm cho người lao động, giải quyết an sinh, đóng góp vào tăng trưởng...”.
Rõ ràng sự vào cuộc, chia sẻ của một số Tập đoàn kinh tế, thương hiệu lớn thuộc khối doanh nghiệp nhà nước như EVN, Vietel, VNPT, Vietnam Airline… trong việc giảm giá điện, giảm giá cước viễn thông, điện thoại, internet, hỗ trợ những chuyến bay đón công dân Việt Nam từ vùng có dịch; Đặc biệt là sự hỗ trợ, tham gia trực tiếp bằng nguồn tài chính lớn vào Quỹ vaccine, rồi tham gia sản xuất vắc-xin, phòng chống dịch… của những doanh nghiệp tư nhân lớn như: Tập đoàn Vingroup, Trường Hải - Thaco, Sữa Vinamilk… thời gian qua là rất đáng ghi nhận.
Chuyên gia thương mại cao cấp, PGS. TS Phạm Tất Thắng còn đánh giá rất cao sự đồng hành của doanh nghiệp lớn trong việc khai thông thị trường xuất khẩu sác sản phẩm nông sản trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giúp cho trái vải thiều đặc sản Bắc Giang đến với các thị trường khó tính, cho giá trị kinh tế cao, giúp người nông dân không còn phải chờ giải cứu…
"Chúng ta thấy rằng có lẽ cần phải có sự đúc kết một cách bài bản và kỹ lưỡng kinh nghiệm trong việc tổ chức xuất khẩu quả vải Bắc Giang có sự vào cuộc của Trung ương, sự phối hợp của địa phương, sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn và sự đồng hành của nông dân. Đây là những bài học lớn và chúng ta cần phải nhân rộng ra. Và chúng tôi muốn nói rằng tính phối hợp, hợp tác làm ăn với nhau giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương trong hoạt động xuất nhập khẩu càng trở nên đặc biệt quan trọng..." - PGS. TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cho rằng, để phát triển nền kinh tế số, việc ứng dụng các tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư càng đòi hỏi cần phải có sự dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn. Để chủ động sản xuất thì phải phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Doanh nghiệp lớn sẽ tạo động lực, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng.
Thế nhưng, hiện tại “những doanh nghiệp tư nhân lớn, hoạt động đa ngành, mang tầm cỡ quốc tế mới chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Số liệu từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động thì những doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp loại vừa chiếm hơn 2%, còn lại hơn 95% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Vì thế, để chủ động trong sản xuất - với một nền kinh tế mở, hơn 85% sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo là dành cho xuất khẩu, một nhiệm vụ quan trọng được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh trong năm 2022 chính là: "Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…
Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ và huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các Tập đoàn, Doanh nghiệp lớn (cả Nhà nước và tư nhân) của Việt Nam… giúp các DN này có thể đi tắt, đón đầu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại; trực tiếp tham gia, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…".
Đối với doanh nghiệp nhà nước, các chuyên gia cho rằng, nếu triển khai thực hiện tốt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025” theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra mới đây, cũng đồng nghĩa với việc đạt được mục tiêu: Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp…/.