Theo ông Đỗ Văn Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua là một cuộc cách mạng lớn trong hoạt động quy hoạch, nhưng nếu vẫn tiếp tục để tồn tại quy hoạch xây dựng tỉnh thì đó là cuộc cách mạng nửa vời, không những không khắc phục được tình trạng trùng lặp, chồng chéo, bắt buộc các địa phương phải làm thêm nhiều việc vô bổ, gây lãng phí rất lớn; mà còn dung túng cho việc cố tình níu kéo, không chịu buông bỏ quyền lực, quyền lợi của nhóm lợi ích, tiếp tục duy trì cơ chế xin cho, thực hiện hành vi của cơ quan hành chính cấp trên “hành” cơ quan hành chính cấp dưới và “hành” nhân dân, doanh nghiệp.

quy_hoach_xay_dung_tinh_posl.jpg
Nếu tiếp tục để tồn tại quy hoạch xây dựng tỉnh tồn tại song song cùng Luật Quy hoạch thì đó là cuộc cách mạng nửa vời (Ảnh minh hoạ: KT)

Cụ thể, theo qui định tại khoản 3 Điều 23 dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi thì quy hoạch xây dựng tỉnh được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu chức năng và dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cấp tỉnh, cấp huyện.

Quy hoạch xây dựng tỉnh được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh và giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Tuy nhiên, tại Điều 8 Nghị định 44/2015 ngày 6/5/2015 của Chính phủ, thì toàn bộ nội dung đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh đã nằm trọn trong nội dung của Quy hoạch tỉnh qui định tại khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch. Đồng thời, tại khoản 3 Điều 27 Luật Quy hoạch đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo khả thi trong tổ chức thực hiện.

Về mức độ chi tiết của quy hoạch tỉnh, theo thuyết minh phương án sửa đổi Luật Xây dựng, quy hoạch tỉnh không đảm bảo mức độ chi tiết, nên cần có quy hoạch xây dựng tỉnh để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh. Mức độ chi tiết của quy hoạch được xác định căn cứ vào độ lớn, nhỏ tỷ lệ bản đồ. Theo qui định tại điểm B mục 9 phụ lục 1 dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Quy hoạch thì tỷ lệ bản đồ nhỏ nhất của Quy hoạch tỉnh là 1/25.000 đúng bằng với tỷ lệ của Quy hoạch xây dựng tỉnh đã và đang thực hiện được qui định tại điểm đ khoản 2 Điều 23 của Luật Xây dựng.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, theo các quy định trong Luật Quy hoạch và Nghị định qui định chi tiết của Chính phủ thì Ủy ban nhân dân các tỉnh có đủ căn cứ, điều kiện để lập Quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai toàn bộ các nội dung quy hoạch của địa phương mình; trong đó, có quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu chức năng và dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cấp tỉnh, cấp huyện, mà đó cũng chính là những loại quy hoạch chỉ được thực hiện sau khi quy hoạch xây dựng tỉnh được phê duyệt.

Theo ông Sinh, nếu như vẫn để tồn tại quy hoạch xây dựng tỉnh thì các tỉnh đồng thời phải lập 2 loại quy hoạch ở cấp tỉnh.

Một là, lập Quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp gửi Hội đồng thẩm định gồm các thành viên là đại diện của các Bộ, ngành, địa phương liên quan và các chuyên gia để tổ chức thẩm định. Nếu đạt yêu cầu thì Hội đồng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hai là, lập Quy hoạch xây dựng tỉnh; sau khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ cần copy Quy hoạch tỉnh, lược bỏ một số nội dung và đổi tên thành Quy hoạch xây dựng tỉnh để tự tổ chức thẩm định và phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

“Quy hoạch xây dựng tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng là một loại giấy phép con cực to làm cản trở dòng chảy quá trình hoạt động quy hoạch, sẽ gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng của nhân dân; kìm hãm sự phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.

Do đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh đề nghị Quốc hội loại bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh trong Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung để ngăn chặn và loại bỏ được "điểm tối" trong hoạt động xây dựng pháp luật về quy hoạch./.