Hôm nay (26/11), tại TP. Hải Phòng, Bộ Công Thương phối hợp UBND TP. Hải Phòng tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 với chủ đề “Logistics xanh”. Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng lãnh đạo nhiều Bộ, ban, ngành và địa phương dự Diễn đàn.
Logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Chỉ số hiệu quả Logistics (LPI) công bố năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.
Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Tốc độ tăng trưởng ngành logistics bình quân hàng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 lên 616,30 tỷ USD, tăng trên 14 % so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước; chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics chưa chặt chẽ...
Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2022 nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu.
“Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề "Logistics xanh" nhằm truyền tải thông điệp của Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng "xanh hóa", khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP-26, nhất là đối với những ngành có mức độ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải lớn như ngành dịch vụ logistics”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
Đánh giá về những thành tựu của ngành logistics ở nước ta trong 10 năm qua, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, logistics Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước, đặc biệt công nghiệp hóa hiện đại hóa cũng như là hội nhập quốc tế.
Ông Trần Tuấn Anh cũng đề nghị các Bộ, ban ngành cần tiếp tục khẩn trương nghiên cứu xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền để ban hành Chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm được những yêu cầu phát triển mới của lĩnh vực này.
“Chúng ta cần đặt trọng tâm và xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện một cách thực chất chương trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong ngành logistics, coi đây vừa là yêu cầu vừa là động lực đổi mới và phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam thời gian tới. Để làm được điều này, cần phải làm rõ nội hàm về logistics xanh, trong đó gắn với những yêu cầu đòi hỏi để thực hiện logistics xanh trong bối cảnh và những điều kiện mới của khu vực và toàn cầu, trong việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như hội nhập quốc tế sâu rộng”, ông Trần Tuấn Anh đề xuất.
Ngoài phiên toàn thể, Diễn đàn còn có 2 hội thảo chuyên đề về “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn” và “Logistics Việt Nam chủ động thích ứng với bối cảnh mới”. Báo cáo Logistics Việt Nam 2022 với cùng chủ đề “Logistics xanh” cũng được công bố tại Diễn đàn./.