Tiềm năng và dư địa phát triển của dịch vụ logistics ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của ngành này còn hạn chế, đòi hỏi cần có các giải pháp kịp thời để phát triển thị trường logistics nói chung, cải thiện năng lực của doanh nghiệp (DN) nói riêng.

Theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Quyết định 221/QĐ-TTg cũng đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ chính mà các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội cần thực hiện để đạt được mục tiêu nêu trên. Trong đó, phát triển thị trường dịch vụ logistics là một trong 6 nhóm nhiệm vụ chính.

Trong khi đó, số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho thấy, hiện nay 95% các doanh nghiệp (DN) logistics đang hoạt động là DN Việt Nam. Số lượng DN nhiều nhưng chủ yếu là DN nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa DN dịch vụ logistics với DN xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, DN logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi.

Bà Ngô Thị Trúc Anh, Giám đốc Bộ phận vận chuyển Lazada cho rằng, để dịch vụ logistics Việt Nam phát triển, rất cần sự đầu tư công nghệ của DN vào hạ tầng logisctics, “số hóa” các khâu từ giao hàng đến thanh toán... Nếu như trước đây, hàng hóa khi được khách hàng order hôm trước phải đến hôm sau mới đến tay khách hàng, thì nay, hàng được giao trong ngày.

“Để nâng sức cạnh tranh, việc chuyển đổi số là rất quan trọng. Các DN Việt Nam từ DN sản xuất đến các DN vận chuyển, logistics cần phải nỗ lực số hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh hiện nay”, bà Trúc Anh nêu quan điểm.

Năm 2020 được đánh giá là một trong những năm khó khăn cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Trong khi một số nơi các hoạt động logistics bị ngưng trệ vì dịch bệnh, một số phân khúc khác như logistics phục vụ thương mại điện tử lại trở nên quá tải vì số lượng người mua hàng và đơn giao hàng tại nhà tăng đột biến.

Tuy nhiên, theo báo cáo của ResearchAndMmarket.com, quy mô thị trường logistics toàn cầu ước đạt 3.215 tỷ USD vào năm 2021, tăng 17,6% so với năm 2020. Điều này cho thấy ngành logistics vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn. Thị trường logistics toàn cầu được thúc đẩy bởi việc khôi phục dòng chảy thương mại quốc tế. Hơn nữa, các chính sách thuận lợi hóa thương mại, kích thích tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19 được thực hiện bởi Chính phủ cũng đang hỗ trợ trong việc mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, để phát triển dịch vụ logistics thành 1 ngành đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước cần có giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế; liên kết để logistics và thương mại điện tử cùng phát triển.

Ông Nguyễn Quốc Phương, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề nghị, để logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, ngoài vấn đề về cơ chế, chính sách, kết cấu hạ tầng, cần sự nỗ lực của các ngành, các cấp có liên quan, đặc biệt là cộng đồng DN trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá thành.

Đặc biệt, với thực trạng hiện nay của các DN logistics Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, ngoài những nỗ lực chuyển đổi số trong bản thân mỗi DN, các DN ngành logistics cần “bắt tay nhau” kết nối lại để phát triển thành DN lớn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, dịch vụ logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng. Do đó, việc đẩy mạnh liên kết giữa các DN logistics với nhau, giữa DN logistics và DN sản xuất, xuất khẩu sẽ thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin giữa các doanh nghiệp.

“Việt Nam cần hình thành mạng lưới các DN logistics lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường. Việc tích cực tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng sẽ giúp giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và hàng hóa của Việt Nam... Tất cả những hoạt động này không chỉ cần sự chủ động của các DN mà còn cần hơn cả là những chính sách hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết./.