Tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây tăng trưởng khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Cơ sở hạ tầng, công nghệ quản lý và môi trường chính sách mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn cần được đẩy mạnh để bắt kịp trình độ phát triển của các nước đối tác và đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Các doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam đến nay hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, chỉ đáp ứng được các dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan và gom hàng lẻ, chưa tham gia điều hành cả chuỗi logistics như các DN FDI.
Nguồn nhân lực chính là vấn đề nan giải nhất của ngành logistic hiện nay, bởi do phát triển nóng nên nguồn nhân lực của ngành này vừa thiếu, vừa yếu. Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành càng được nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Các số liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng, điều này rất không hợp lý với một ngành dịch vụ có quy mô lên đến 22 tỷ USD, chiếm 20,9% GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 20-25%.
Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 3.000 DN logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường nên có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Theo ông Mai Xuân Thiệu, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA), nhân lực luôn luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành logistics ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nhân lực ngành logistics ở Việt Nam đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
“Hệ thống giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo logistics vẫn còn thiếu và chất lượng chưa cao; chương trình đào tạo, nội dung đào tạo còn thiếu và chưa được chuẩn hóa, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam và thương mại, hàng hải quốc tế; quan hệ hợp tác giữa nhà trường và DN chưa gắn kết trong đào tạo và tuyển dụng”, ông Thiệu nói.
Với thực tế đó, nhu cầu liên kết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau sẽ giúp mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics, đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội. Phát triển nhân lực logistics đang là nhu cầu tất yếu, cấp bách để cùng đóng góp cho sự phát triển ngành logistics tiến nhanh, tiến mạnh theo đúng định hướng của Chính phủ.
PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI-VLA) cho rằng, nguồn nhân lực logistics Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cần kết hợp xây dựng mô hình nghiên cứu để xác định các nhóm kỹ năng cần thiết. Trên cơ sở đó, cần có kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam hướng đến thích ứng trước những biến động và rủi ro.
“Nhân sự logistics phải được hoàn thiện bộ kỹ năng nghề với sự tham gia góp ý xây dựng từ phía nhà trường và cả DN. Mỗi cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành này cần có sự quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng giảng viên đặc biệt trong lĩnh vực logistics, thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn và cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm thích ứng với sự biến động và rủi ro”, bà Hòa nêu phương hướng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về chất lượng, trình độ chuyên môn và kỹ năng của nguồn nhân lực logistics ngày càng cần phải được nâng cao, đáp ứng với yêu cầu thực tế. Đặc biệt là nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu về ngành, các kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, marketing, đàm phán và triển khai…
Để đáp ứng được nhu cầu nhân lực cả về quy mô cũng như chất lượng, phục vụ tốt cho ngành logistics trong giai đoạn tới, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực cho logistics không chỉ là nhiệm vụ của các cấp quản lý, cơ sở đào tạo mà cần sự tham gia tích cực của các DN, các tổ chức trong việc cung cấp thông tin, xây dựng nhiều hình thức động viên khuyến khích như cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện giảng dạy, học tập…
“Cùng với thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, năng lực DN, công nghệ thì nhân lực là một khía cạnh nền tảng, mang tính chất căn cơ trong việc phát triển dịch vụ logistics bền vững. Đây sẽ là yếu tố then chốt, quan trọng và cấp thiết, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Về lâu dài, nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp DN logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước, khu vực và quốc tế”, ông Hải định hướng.
Theo các chuyên gia, ngay từ bây giờ cần phải có định hướng phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics nhằm thích ứng trước những biến động và rủi ro. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của DN về sự cấp thiết của việc xây dựng chiến lược nguồn nhân lực, để từ đó hướng đến sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam./.