Tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán
Theo báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày trước Quốc hội, Dự thảo luật đã bổ sung Điều 64a quy định một số nội dung để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội |
Ông Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, do đặc thù của Việt Nam nên có hai cơ quan là Thanh tra các cấp và KTNN trong tổ chức bộ máy nhà nước; cơ quan thanh tra và KTNN có vị trí, chức năng, nhiệm vụ khác nhau được quy định bởi tại 2 Luật khác nhau nhưng khi thực hiện nhiệm vụ nếu không phân định rõ sẽ trùng lặp về đối tượng thanh tra, kiểm toán vì đều là tài chính, tài sản công; chồng chéo về đơn vị được thanh tra, kiểm toán vì đều là đơn vị quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và nội dung thanh tra, kiểm toán sẽ trùng nhau khi Thanh tra các cấp hoặc KTNN xem xét việc tuân thủ pháp luật và đánh giá hiệu quả, hiệu lực quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công.
Việc bỏ một cơ quan hay sửa đổi vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra hay của KTNN là khó khả thi trong điều kiện thực tiễn hiện nay vì Thanh tra là một trong những thiết chế quan trọng, hoạt động ổn định và đóng góp lớn trong phòng chống tham nhũng, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Đại biểu Quốc hội cho rằng cần khắc phục chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán. (Ảnh minh hoạ: KT) |
KTNN là thiết chế độc lập do Quốc hội thành lập đã và đang đóng góp không nhỏ vào việc chấn chính kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, tăng thu, giảm chi ngân sách; chức năng nhiệm vụ của KTNN cơ bản đã phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy sửa Luật cần hướng vào các quy định về công tác phối hợp, nguyên tắc xử lý chồng chéo, ông Hải nêu rõ.
Hiện nay KTNN và Thanh tra Chính phủ đã ký Quy chế phối hợp nhưng mới cơ bản giải quyết được chồng chéo giữa 2 cơ quan, chưa xử lý được chồng chéo giữa KTNN với thanh tra chuyên ngành của các bộ và với thanh tra địa phương. Dự thảo Luật cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp để tránh chồng chéo trong lập kế hoạch; quy định nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và kế thừa kết quả của nhau giữa KTNN và thanh tra các cấp.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng không cần quy định vào Luật KTNN để xử lý chồng chéo vì mỗi cơ quan có chức năng khác nhau, phục vụ các tổ chức nhà nước khác nhau việc tránh trùng lắp, chồng chéo là do các cơ quan tự quyết định nếu sự trùng lắp là không cần thiết.
Cần minh bạch trong quá trình kiểm toán
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn nêu quan điểm: Cần giao cho kiểm toán các quyền độc lập, giao cho kiểm toán chức năng được ban hành các biên bản quy phạm pháp luật, đồng thời giao cho họ quyền được xử phạt vi phạm hành chính bởi nếu làm là đúng hiến pháp để tăng quyền lực quyền hạn, giải quyết vấn đề tốt hơn chức năng nhiệm vụ kiểm toán tài sản công, tài chính công.
"Chúng ta cần có sự minh bạch trong quá trình kiểm toán. Có thể thành lập một cơ quan trung gian để kiểm toán lại các kết luận của kiểm toán Nhà nước mà được cho là chưa được. Ở câu chuyện này, đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại", ông Sinh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, cần làm rõ mối quan hệ giữa các cơ quan, ví dụ như cơ quan kiểm toán, cơ quan thanh tra và các cơ quan thanh tra chuyên ngành để tránh tình trạng chồng chéo tại một đơn vị được vào thanh tra, kiểm toán, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán để đỡ mất thời gian.
Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 mới có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần thiết phải sửa, do nhiều vấn đề mới phát sinh cần phải giải quyết. Một số quy định bộc lộ những bất cập hợp lý cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, như phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, chưa đảm bảo sự tương thích giữa Luật Kiểm toán Nhà nước với các luật khác có liên quan.
Tổng KTNN Hồ Đức Phớk cho rằng, sửa luật để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra, làm ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan, tổ chức liên quan...
Để tạo cơ sở pháp lý cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân (là đơn vị được kiểm toán hoặc tổ chức có liên quan) đều có quyền khiếu nại, kiến nghị về kết quả kiểm toán, cần sửa đổi lại điều 7 theo hướng bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có ỉiên quan đến việc sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công, ông Phớk kiến nghị./.