Đỉnh cao nhất thuộc về Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội (Habubank). Ngân hàng này vừa thông báo tăng lãi suất tiết kiệm đối với đồng USD trên toàn hệ thống (trừ chi nhánh Bắc Ninh và các phòng giao dịch trực thuộc). Theo đó, mức lãi suất tiết kiệm USD đã lên tới 4,15%/năm đối với loại hình trả lãi cuối kỳ, 3,4%/năm đối với trả lãi hàng quý, 2,45%/năm đối với rút gốc linh hoạt và 1,95% đối với tiết kiệm 3G.

Theo thông báo của Habubank, do nhu cầu về vốn USD từ nay đến cuối năm 2009 có khả năng tăng cao, Ban điều hành Habubank đã quyết định đẩy mức lãi suất huy động của loại tiền này tăng lên nhằm thu hút thêm nguồn tiền nhà rỗi từ dân cư, đồng thời cung ứng đủ nguồn vốn cho các khách hàng có nhu cầu và đảm bảo khả năng thanh khoản về đồng vốn ngoại tệ cho hoạt động của ngân hàng.

Như vậy, mức lãi suất huy động USD cao nhất của SeaBank là 3,5%/năm ở kỳ hạn 60 tháng vừa mới thiết lập từ hôm 1/9 đã được thay bằng “đỉnh” 4,15%/năm của Habubank.

Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng đã tăng lãi suất huy động USD với mức tăng 0,5%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) điều chỉnh lãi suất kỳ hạn từ 1 tuần đến 60 tháng đối với USD với biên độ tăng từ 0,35%/năm đến 1,8%/năm.

Thực tế, tín hiệu tăng lãi suất USD đã bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 8/2009 khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) là ngân hàng đầu tiên thực hiện tăng lãi suất USD. Theo đó, lãi suất tiết kiệm bậc thang USD tăng dao động từ 0,5%/năm với hầu hết các loại kỳ hạn.

Làn sóng tăng lãi suất USD hiện nay còn có sự tham gia của một số ngân hàng cổ phần khác như HDBank, Maritime Bank, Southern Bank, SaigonBank, BaovietBank… khi họ điều chỉnh lãi suất USD với mức tăng cao nhất lên đến 0,5%.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần qua, lãi suất huy động USD có xu hướng tăng, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh tăng lãi suất cho phù hợp với mặt bằng chung của thị trường với mức tăng từ 0,4-1,8%/năm.Ngày 8/9, Chí nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tại Nha trang (Khánh Hoà) đã nâng lãi suất huy động VND lên tới 10,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trở thành ngân hàng có lãi suất huy đồng VND cao nhất Nha Trang hiện nay.

Liên tục trong những ngày qua, các chi nhánh ngân hàng thương mại ở Khánh Hoà đua nhau tăng lãi suất huy động cả VND và USD. Ông Đoàn Vĩnh Tường, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tại Khánh Hoà cho biết, hiện lãi suất huy động VND của các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh đã tăng thêm từ 0,2%- 0,4%/năm so với cuối tháng 8. Bên cạnh Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có lãi suất huy động VND cao nhất Nha Trang hiện nay, còn có nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) kỳ hạn từ 24-36 tháng đã tăng lên 10,02%/ năm; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã 5 lần tăng lãi suất huy động kể từ đầu năm đến nay nâng lãi suất huy động hiện nay lên 9,4%/năm.

Cùng với tăng lãi suất huy động VND, lãi suất USD sau một thời gian dài giảm hoặc đứng tại chỗ, nay cũng đã bắt đầu tăng trở lại. Một loạt các ngân hàng ở Nha Trang đã tăng lãi suất huy động USD từ 0,05- 0,1%/năm cho kỳ hạn từ 1-36 tháng. Hiện lãi suất huy động USD của các ngân hàng phổ biến từ 1,5%-2,8%/năm kỳ hạn từ 1-12 tháng. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) có lãi suất huy động USD cao nhất từ 1,65%-3,4%/năm cho kỳ hạn từ 1-48 tháng; kỳ hạn 5 năm lên tới 3,5%. Ngân hàng Liên doanh Việt Nga tại Nha Trang đã nâng lãi suất huy động USD 36 tháng lên 3,2%/năm và thực hiện thưởng luỹ tiến cho khách hàng gửi VND có số dư từ 300 triệu đến 10 tỷ trở lên với tỷ lệ từ 0,05%-0,25%./.